Xây dựng Đảng vững mạnh từ cơ sở

Tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Ðảng với nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở. Đảng bộ tỉnh luôn xác định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh bắt đầu từ việc xây dựng, củng cố các TCCSĐ, không ngừng giáo dục, rèn luyện đảng viên. Đây là nhân tố cơ bản quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh.

Đảng bộ huyện Hải Hà hiện có 36 chi, đảng bộ trực thuộc, 215 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở. Nhận thức rõ vai trò nòng cốt của mỗi đảng viên, của từng chi bộ góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, những năm qua Huyện ủy đã tập trung xây dựng nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động, xây dựng Đảng vững mạnh từ cơ sở.

Theo đồng chí Lưu Văn Thường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, việc xây dựng TCCSĐ vững mạnh được Đảng bộ huyện tiến hành trong mọi lĩnh vực hoạt động, ở tất cả các khâu, các bước, các mối quan hệ trong quá trình xây dựng và lãnh đạo, phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương. Nhiều cấp ủy cơ sở đã đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác; phân công đảng viên theo dõi, phụ trách hộ gia đình, góp phần nắm chắc tình hình, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở. Đặc biệt, nhằm củng cố, phát triển TCCSĐ trong doanh nghiệp, Đảng bộ KCN Cảng biển Hải Hà được thành lập (trực thuộc Đảng bộ huyện). Đây là đảng bộ đầu tiên của tỉnh được thành lập trong các KCN trên địa bàn, thể hiện quyết tâm đổi mới, hoàn thiện tổ chức các loại hình TCCSĐ của Đảng bộ huyện.

Để củng cố và nâng cao sức mạnh TCCSĐ, năm 2019 Huyện uỷ Bình Liêu phối hợp cùng Đảng ủy BĐBP tỉnh thực hiện thí điểm giới thiệu đảng viên là BĐBP tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn biên giới. Sau một thời gian triển khai, mô hình đã khẳng định hiệu quả trong việc góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, truyền tải đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Mô hình đang được nhân rộng ở 21 thôn biên giới trên địa bàn huyện Bình Liêu. Bí thư Chi bộ thôn Nà Sa (xã Hoành Mô) Bùi Xuân Chiều cho biết: Từ khi có đảng viên là BĐBP tham gia sinh hoạt chi bộ, chất lượng các cuộc họp được nâng lên. Những vấn đề bức xúc được phân tích, làm rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp tháo gỡ kịp thời. Từ đó huy động được các cán bộ, đảng viên trong Chi bộ tích cực tham gia, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ở các thôn, khu ngày càng vững mạnh; thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Các đảng viên là BĐBP còn phát huy vai trò trong tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo ở khu vực biên giới.

Nhìn lại thực tiễn công tác xây dựng TCCSĐ và đảng viên thời gian qua cho thấy, cấp ủy các địa phương trong tỉnh đã có những giải pháp, cách thức triển khai rất cụ thể, sâu sát, phát huy vai trò của tổ chức đảng, đảng viên, được nhân dân tin tưởng, đồng thuận. Đây chính là tiền đề để Đảng bộ tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) về tăng cường củng cố xây dựng TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

Để nâng cao chất lượng TCCSĐ, các cấp ủy còn chỉ đạo xây dựng nhiều đề án, chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể tập trung xây dựng TCCSĐ, củng cố các cơ sở yếu kém. Công tác đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên đã từng bước hiệu quả, thực chất hơn, xây dựng cụ thể hóa tiêu chí và phương pháp đánh giá. Việc giao nhiệm vụ, đăng ký phấn đấu đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh được chú trọng, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng hằng năm. Công tác xét duyệt các hình thức khen thưởng được thực hiện chặt chẽ, gắn với kiểm điểm việc thực hiện các chỉ tiêu thi đua đã đăng ký…

Công tác tạo nguồn và kết nạp đảng viên mới tiếp tục được quan tâm chú trọng. Một số đảng bộ đã tham mưu cho cấp ủy xây dựng đề án tạo nguồn phát triển đảng viên; khảo sát, đánh giá, tham mưu cho cấp ủy nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng phát triển đảng viên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, giáo dục quần chúng ưu tú trong các thành phần kinh tế để tạo nguồn, nhất là ở các thôn, bản, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, quan tâm kết nạp đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản khu phố. Với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, công tác phát triển đảng viên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến hết tháng 9/2023 toàn tỉnh kết nạp được trên 2.070 đảng viên mới; trong đó có 145 đảng viên ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, 620 đảng viên ở thôn, bản, khu phố, 28 đảng viên là học sinh, sinh viên.

Đi đôi với nâng cao chất lượng tạo nguồn kết nạp đảng viên mới, các cấp ủy, tổ chức đảng coi trọng đào tạo, bồi dưỡng, tăng cường rèn luyện, quản lý nâng cao chất lượng đảng viên. Hằng năm tỉnh và các cấp ủy đã cân đối bố trí ngân sách cho đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời thực hiện tốt công tác phân công nhiệm vụ, nhất là phân công nhiệm vụ cho đảng viên phụ trách địa bàn, theo chuyên đề; giới thiệu đảng viên có năng lực, phẩm chất tham gia vào các chức danh lãnh đạo, quản lý và cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Nhờ đó chất lượng đội ngũ đảng viên không ngừng được nâng lên, đại đa số giữ vững phẩm chất, đạo đức, lối sống, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giữ gìn khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, có ý thức tổ chức kỷ luật, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu trong công tác và cuộc sống; có tinh thần học tập nâng cao trình độ về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức và kỹ năng công tác; luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nguồn Báo Quảng Ninh

 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 216