Tăng cường bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán

Để giữ vững ổn định cung - cầu, giá cả thị trường, chất lượng hàng hoá phục vụ tiêu dùng, an ninh - trật tự, chỉ đạo về bảo đảm cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, giá cả thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán năm 2023, Quảng Ninh tăng cường công tác quản lý, điều hành cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, giá cả thị trường.

Những tháng cuối năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội, địa - chính trị thế giới có rẩt nhiều phức tạp, lạm phát ở một số nước tiếp tục có xu hướng tăng cao, tình hình cung cầu, giá cả các mặt hàng chiến lược nhất là xăng dầu dự còn nhiều biến động phức tạp khó lường, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán năm 2023. Trong khi đó, theo dự báo của Bộ Công thương, nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sẽ tăng khoảng 8%-10% so với cùng kỳ năm 2022. 

Để giữ vững ổn định cung - cầu, giá cả thị trường, chất lượng hàng hoá phục vụ tiêu dùng, nhất là các mặt hàng thiết yếu, ngay từ tháng 12/2022, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 07/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý, điều hành cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, giá cả thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán năm 2023.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài chính, Sở Công Thương, các Sở, ngành, địa phương đã theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, cung, cầu và giá cả thị trường và có những giải pháp chủ động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong lưu thông để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả dịp Tết Nguyên đán năm 2023. Trong đó, ưu tiên đảm bảo nguồn cung, đảm bảo cân đối cung - cầu thị trường, nhất là các mặt hàng tiêu dùng lớn như xăng dầu, lương thực, thực phẩm tươi sống (thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm tươi sống, rau củ quả,...), các sản phẩm nông nghiệp, vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải, các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, các dịch vụ phục vụ nhu cầu tham quan, lễ hội.
Các Sở, ngành, địa phương theo lĩnh vực, địa bàn quản lý cũng tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá của các tổ chức và cá nhân theo quy định. Đặc biệt, Sở Công Thương và các địa phương đã vận động các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm trên địa bàn tham gia chương trình bình ổn thị trường; ký cam kết đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân dịp Tết Nguyên đán.

Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 133 chợ, 27 siêu thị, 7 trung tâm thương mại, 120 cửa hàng tiện ích, 27 trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP… Tại các nơi này, hàng hóa đã được tăng; đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Nhiều tiểu thương, chủ doanh nghiệp đã cam kết giữ cố định, không tăng giá bán các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết. Đồng thời, tăng cường các hoạt động khuyến mại, giảm giá trước và sau tết để người dân có điều kiện vui xuân, mua sắm.

Chưa đầy 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán 2023. Sở Công Thương và các ngành, địa phương sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, có các phương án, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm. Với các biện pháp giám sát biến động giá hàng hóa và bảo đảm bình ổn giá các mặt hàng, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết, Quảng Ninh đang nỗ lực để người dân có cái tết Nguyên đán 2023 thật vui tươi, an toàn.

Nguồn Báo Quảng Ninh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 1046