Quy định của Bộ luật Lao động năm 2019; Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động-TB&XH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nội dung của HĐLĐ và xây dựng nội quy lao động.

Nội dung của Hợp đồng lao động và nội quy lao động theo quy định của Bộ Luật Lao động năm 2019

I. Về ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019; Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động-TB&XH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nội dung của HĐLĐ.

1. Yêu cầu xác định rõ trách nhiệm giao kết HĐLĐ và loại HĐLĐ:

- Theo quy định tại Điều 13 của Bộ luật Lao động năm 2019:

Hợp đồng lao động là sự thỏa giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

- Theo quy định tại Điều 20 của Bộ luật Lao động năm 2019: Hợp đồng lao động gồm 02 loại:

+ HĐLĐ không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;

+ HĐLĐ xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

2. Nội dung chủ yếu phải có của HĐLĐ:

* Theo khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 thì HĐLĐ phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

          - Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;

          - Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;

          - Công việc và địa điểm làm việc;

          - Thời hạn của hợp đồng lao động;

          - Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

          - Chế độ nâng bậc, nâng lương;

          - Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

          - Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

          - Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;

          - Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

* Chi tiết hướng dẫn các nội dung chủ yếu của HĐLĐ được quy định tại Điều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động-TB&XH.

          3. Việc lập sổ quản lý lao động; khai trình sử dụng lao động và báo cáo định kỳ tình hình thay đổi về lao động:

Quy định tại Điều 12 Bộ luật Lao động 2019; Hướng dẫn tại Chương II Nghị định 145/2020/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 01/02/2021):

          3.1. Về lập, cập nhật, quản lý, sử dụng sổ quản lý lao động:

- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động, người sử dụng lao động phải lập sổ quản lý lao động ở nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện;

          - Sổ quản lý lao động được lập bằng bản giấy hoặc bản điện tử nhưng phải bảo đảm các thông tin cơ bản về người lao động, gồm:

          Họ tên; Giới tính; Ngày tháng năm sinh; Quốc tịch; Nơi cư trú; Số thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu; Trình độ chuyên môn kỹ thuật; Bậc trình độ kỹ năng nghề; Vị trí việc làm; Loại hợp đồng lao động; Thời điểm bắt đầu làm việc; Tham gia bảo hiểm xã hội; Tiền lương; Nâng bậc, nâng lương; Số ngày nghỉ trong năm; Số giờ làm thêm; Học nghề, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề; Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất; Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động và lý do. (Mẫu biểu gửi kèm theo).

- Người sử dụng lao động có trách nhiệm lập, cập nhật các thông tin cơ bản của người lao động nêu trên kể từ ngày người lao động bắt đầu làm việc và quản lý, sử dụng xuất trình Sổ quản lý lao động khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

3.2. Về khai trình việc sử dụng lao động:

Người sử dụng lao động Khai trình việc sử dụng lao động trong thời gian 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động theo quy định tại Nghị định số 122/2020/NĐ-CP ngày 15/10/2020 của Chính phủ quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng kí thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia BHXH, đăng kí sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp. (Hoặc có thể tham khảo mẫu Khai trình sử dụng lao động đính kèm).

3.3. Về báo cáo định kỳ tình hình thay đổi về lao động:

Định kỳ 06 tháng (trước ngày 05/6) và hằng năm (trước ngày 05/12), người sử dụng lao động phải báo cáo tình hình thay đổi về lao động trong quá trình hoạt động với Cơ quan chuyên môn về Lao động thuộc UBND cấp tỉnh (Sở Lao động-TB&XH tỉnh) và thông báo cho cơ quan BHXH biết; Đồng thời gửi Phòng Lao động-TBXH thuộc UBND thành phố để biết, phối hợp theo dõi, quản lý.

(Mẫu báo cáo định kỳ số 01/PLI ban hành theo quy định tại Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ đính kèm).

  II. Về xây dựng Nội quy lao động (NQLĐ).

          1. Các căn cứ xây dựng NQLĐ:

          - Chương VI, Chương VII, Chương VIII Bộ luật Lao động năm 2019;

          - Chương VI, Chương VII, Chương VIII Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ.

          2. Nội dung Nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan. Nội quy lao động bao gồm những nội dung quy định tại Điều 118 BLLĐ năm 2019, cụ thể:

          (1). Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP; Chương VII Bộ luật Lao động 2019 và Chương VII Nghị định 145/2020/NĐ-CP nêu trên.

          (2). Trật tự tại nơi làm việc: Theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP (do các trường, cơ sở MNTT quy định cụ thể).

          (3). An toàn, vệ sinh lao động: Theo quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ/CP (do các trường, cơ sở MNTT quy định cụ thể).

          (4). Phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc: Theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 69, Điều 84,85,86 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

          (5). Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động: Theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP; Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động-TB&XH (do các trường, cơ sở MNTT quy định).

          (6). Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao đồng: Theo quy định tại điểm e, khoản 2 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP; Trong đó cần quy định cụ thể các trường hợp do nhu cầu hoạt động kinh doanh được tạm thời chuyển đổi người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 29 BLLĐ 2019.

          (7). Các hành vi vi phạm kỷ luật của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động: Theo quy định tại điểm g, khoản 2 Điều 69 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP.

          - Hình thức xử lý kỷ luật lao động: Điều 124 BLLĐ 2019 (quy định cụ thể, riêng biệt các hành vi vi phạm kỷ luật tương ứng với 4 hình thức xử lý kỷ luật: Khiển trách, Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng, cách chức, sa thải).

          - Áp dụng hình thức sa thải: Quy định tại Điều 125 BLLĐ 2019, trong đó phải cụ thể hóa các hành vi vi phạm, mức độ vi phạm tương ứng với từng hình thức xử lý kỷ luật; cụ thể hóa mức độ vi phạm về vật chất hoặc phi vật chất tương ứng tương ứng với hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động.

          (8). Trách nhiệm vật chất:

          - Bồi thường thiệt hại: Theo quy định tại Điều 129 BLLĐ 2019; Điểm h, khoản 2 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP;

          - Xử lý bồi thường thiệt hại: Theo quy định tại Điều 130 BLLĐ 2019; Điều 71, 72 Nghị định 145/2020/NĐ-CP;

          - Khiếu nại về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất: Theo quy định tại Điều 131 BLLĐ 2019; Điều 73 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

          (9). Nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động, bồi thường trách nhiệm vật chất: Theo quy định tại Điều 122 BLLĐ 2019 và Điều 70, 71 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

          (10). Quy định về người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động trong NQLĐ: Theo quy định tại Điểm i, Khoản 2 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).

                                                                                                                            Phường Giếng Đáy

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 90