Phòng cháy chữa cháy: Trách nhiệm không của riêng ai

Sau rất nhiều vụ hỏa hoạn, đặc biệt là vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng tại chung cư mini (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), không chỉ ở Hà Nội mà ở Quảng Ninh, nhiều người dân sống ở chung cư, những khu dân cư đông đúc, ngôi nhà ở sâu trong những ngõ... không khỏi lo lắng. Người dân đã tự mình trang bị kỹ năng cần thiết để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.

Cảnh giác trước những mối lo 

Hệ lụy mà những vụ cháy để lại luôn là “hồi chuông cảnh tỉnh” để mỗi gia đình tự nhìn nhận lại những thiếu sót trong vấn đề phòng cháy chữa cháy. Hạ Long là đô thị lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh, mặc dù mật độ dân số không quá cao như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh.

Nhưng cũng có rất nhiều các chung cư cao tầng, dân cư đông đúc, những con phố với dốc cao, đường chật hẹp, ngõ nhỏ nhà cửa san sát. Ở những khu vực này, không ít thì nhiều cũng vẫn tồn tại những yếu điểm, những lỗ hổng nguy hiểm nếu hỏa hoạn xảy ra.

Anh Hoàng Đức Tiến, người dân sinh sống tại chung cư Hạ Long (đường 25/4, phường Hồng Gai, TP. Hạ Long) chia sẻ: Đối với rất nhiều người thì việc sống tại chung cư cao tầng luôn thường trực mối lo hỏa hoạn. Theo suy nghĩ của riêng cá nhân tôi, cháy có thể xảy ra ở bất kì nơi nào không chỉ riêng ở chung cư. Việc phòng cháy chữa cháy là ý thức và trách nhiệm của mọi công dân.

Theo tôi thấy, việc phòng cháy chữa cháy được cư dân và Ban quản trị tòa nhà thực hiện nghiêm túc, hệ thống chuông báo cháy, vòi phun, bình xịt... luôn được kiểm tra định kỳ. Chung cư này cũng khá thoáng đãng, đường xung quanh để xe và thiết bị cứu hỏa tiếp cận rất thuận lợi. Tuy nhiên, sau những vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra thời gian qua, tôi cũng để ý và cảnh giác hơn. Tôi đã tìm hiểu thêm nhiều kỹ năng chống ngạt khói khi có cháy nghiêm trọng xảy ra, chủ động trang thiết bị, đầy đủ kỹ năng cần thiết mới là “phao cứu sinh” an toàn khi có nguy hiểm cận kề.

Không chỉ có cư dân ở các chung cư, các khu dân cư đông đúc, đường đi chật hẹp, nhiều nhà cao tầng, san sát và đường đi không đủ rộng để xe và thiết bị cứu hỏa tiếp cận cũng là điểm “nóng” trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn. Một trong những điểm đó là các dãy nhà phố Hàng Nồi, đường Lê Thánh Tông (TP Hạ Long) là một trong những con phố cổ nhỏ, đông dân, nhiều ngõ ngách khá chật hẹp. Nhiều đoạn ngõ nhỏ hẹp, chỉ đủ hai xe máy tránh nhau.

Bà Phạm Thị Thanh (tổ trưởng tổ 48 - 49, phố Hàng Nồi, đường Lê Thánh Tông) cho biết: Dọc khu vực này có trên 40 hộ dân, với hàng trăm nhân khẩu. Nhà cửa san sát, cũng có nhiều nhà ống, khách sạn cao tầng. Đặc biệt phía dãy sau của khu dân cư nhiều ngách nhỏ kéo dài hàng trăm mét, mà xe cứu hỏa không thể tiếp cận. Quả thật tôi cũng rất lo lắng khi có cháy xảy ra tại đây. 

Nhận thấy khu phố đang sống là khu vực dân cư mật độ cao, đường sá đi lại khó khăn, ông Nguyễn Thanh Bình, cư dân phố Hàng Nồi đã mua sẵn bình cứu hỏa để vị trí dễ thấy trong nhà, học cách sử dụng cũng như hướng dẫn tất cả thành viên trong gia đình sử dụng khi có tình huống cháy xảy ra. 

Thế nhưng, phần nhiều các hộ dân ở những khu phố đối diện nguy cơ hỏa hoạn cao khi được hỏi thì phần nhiều chưa được tập huấn về kỹ năng phòng cháy chữa cháy, cách sử dụng các thiết bị phòng cháy chữa cháy, thậm chí đã được tiếp xúc nhưng chưa biết cách sử dụng. Đây cũng là tình trạng tương tự diễn ra ở nhiều khu phố đông dân cư tại các khu phố chật hẹp, mật độ dân cư đông ở Cao Xanh, Hà Lầm… và ở nhiều đô thị lớn trong tỉnh.

Nhiều cách phòng chống sự cố

Sau những đau thương ám ảnh mà nhiều vụ cháy nghiêm trọng để lại, những người dân tự ý thức về an toàn của bản thân và gia đình như anh Tiến, ông Bình đã tăng lên rất nhiều nhưng vẫn còn một bộ phận vẫn chưa trang bị an toàn cho bản thân khi có cháy nổ xảy ra.

Bởi trên thực tế rất nhiều chung cư, khu dân cư, tổ dân khu phố đối diện nguy cơ cao nhưng vẫn nhiều nơi, nhiều người vẫn quá chủ quan. Chỉ đơn giản như câu hỏi về cách sử dụng bình chữa cháy trong trường hợp khẩn cấp rất nhiều người cũng lắc đầu, chưa biết hoặc chưa tìm hiểu qua cách sử dụng.

Đồng hành cùng chính quyền nhân dân cả tỉnh cũng đã có những kế hoạch, phương án cho gia đình và bản thân để phòng cháy chữa cháy và thoát hiểm an toàn. "Hỏa hoạn có thể xảy ra bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào và hậu quả để lại thường rất thảm khốc, đặc biệt khi hỏa hoạn xảy ra ở các tòa nhà cao tầng, khu vực đông dân cư. Chính vì vậy, nắm được các kỹ năng thoát hiểm, nhận biết nơi mình sống có an toàn hay không là những yếu tố quyết định đến sự sống còn của bản thân mình. Nhiều cá nhân ý thức, quan tâm thì nguy cơ giữa cộng đồng càng dễ dàng được tháo gỡ." - ông Bình tâm sự.

Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy, vừa qua, thành phố Hạ Long đã tổ chức tháo dỡ lồng sắt, “chuồng cọp” để tạo lối thoát nạn thứ hai cho người dân. Thành phố cũng đẩy mạnh việc triển khai mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy”. Tính đến ngày 30/9/2023, trên địa bàn thành phố Hạ Long đã xây dựng, ra mắt 223 mô hình “điểm chữa cháy công cộng”.

Cũng theo lời khuyên của các chuyên gia khi có cháy xảy ra thì mọi người nên giữ bình tĩnh, dập tắt đám cháy không để cháy lan rộng. Mỗi gia đình nên chuẩn bị “bản đồ” cho kế hoạch thoát hiểm của mình. Tòa nhà, khu chung cư nên thường xuyên tổ chức khóa đào tạo, hướng dẫn tập huấn thoát hiểm khi có cháy.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, 95% nạn nhân tử vong trong các vụ cháy là do ngạt khói và khí độc. Phương án thoát hiểm đầu tiên khi có hoả hoạn là di chuyển ra vị trí thoát hiểm. Nếu vị trí thoát hiểm bị chặn kín bằng khói thì di chuyển lên sân thượng.

Nếu không thể tìm được lối thoát hiểm thì chọn căn phòng kín, dùng chăn ẩm hoặc khăn ướt bịt kín các khe hở vào phòng trong khi tìm lối thoát hiểm hoặc chờ lực lượng cứu hộ giải cứu. Dùng khăn ẩm che kín miệng và mũi để phòng hít phải khói độc. Với căn phòng diện tích từ 70m2 - 80m2, nếu được che kín và người dân tuân thủ theo đúng hướng dẫn và cháy không lan đến vị trí đó, con người có thể duy trì sự sống từ 4 - 5 giờ đồng hồ. Cũng cần chú ý luôn di chuyển ở vị trí thấp, chọn vị trí gần cửa sổ và dùng đèn báo hiệu để ra hiệu cho đội cứu hộ.

Trong trường hợp phải di chuyển qua đám cháy, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên phủ tấm chăn ẩm lên người, luôn ghi nhớ hạ thấp độ cao khi di chuyển. Ở những chung cư cao tầng người dân tuyệt đối không được sử dụng thang máy. Hãy trang bị bình chữa cháy, thang dây thoát hiểm, dây đai thoát hiểm, mặt nạ phòng độc để đảm bảo an toàn cho bản thân khi cháy xảy ra.                                                             Nguồn Báo Quảng Ninh

 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 85