Phát triển kinh tế số từ thương mại điện tử

Với sự phát triển mạnh mẽ của internet, thương mại điện tử (TMĐT) đang ngày càng phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Bắt nhịp xu hướng này, thời gian qua Quảng Ninh đã chú trọng đẩy mạnh TMĐT, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Để hỗ trợ, kết nối các cơ sở sản xuất đa dạng kênh tiêu thụ và tiếp cận nhanh, hiệu quả với các ứng dụng TMĐT, đồng thời căn cứ nhiệm vụ và mục tiêu về chiến lược phát triển kinh tế số theo Kế hoạch số 116/KH-UBND (ngày 2/7/2020) về phát triển TMĐT tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, Sở Công Thương với vai trò nòng cốt đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin. Chia sẻ về lĩnh vực này, lãnh đạo Sở Công Thương cho hay: Hình thức mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến và được người dân ưa chuộng. Trong bối cảnh hiện nay, việc tiếp cận và tận dụng sức mạnh của TMĐT thông qua các sàn giao dịch lớn và uy tín là cách tốt nhất để vừa quảng bá sản phẩm, vừa thúc đẩy doanh số bán hàng và gây dựng thương hiệu. Cách làm này giúp doanh nghiệp, người nông dân tiết kiệm khá nhiều thời gian, công sức, chi phí.

Theo đó, với vai trò của mình, ngành Công thương Quảng Ninh đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ trong hoạt động quảng bá sản phẩm, như: QR code, chip NFC, công nghệ blockchain… để truy xuất nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo cho chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tập trung vào triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hoạt động TMĐT, như: Phát triển, hoàn thiện hạ tầng TMĐT; phát triển các sản phẩm, giải pháp TMĐT; ứng dụng TMĐT hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển sản phẩm; vận hành sàn giao dịch TMĐT tỉnh Quảng Ninh; tập huấn thông tin, tuyên truyền về TMĐT; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước về TMĐT. Đồng thời, đẩy mạnh kết hợp đan xen giữa TMĐT với các loại hình phân phối hiện hữu, tạo thành phương thức phân phối đa kênh theo đúng xu hướng phát triển chung trong thời đại số 4.0. Qua đó, đóng góp quan trọng vào việc tiêu thụ sản phẩm cho người dân, doanh nghiệp và lộ trình chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.

Tính đến nay, các sở, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh đã hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX đưa được 560 sản phẩm nằm trong chương trình OCOP của tỉnh lên các sàn TMĐT, trong đó có 334 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao. Cụ thể, sàn TMĐT Voso đang có 160 sản phẩm (đạt 47,9%); sàn TMĐT Postmart đang có 108 sản phẩm (đạt 32,3%)… Riêng sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh tại địa chỉ: http://ocop.com.vn hiện đã được tỉnh hoàn thành việc nâng cấp với nhiều tính năng hữu dụng; đang quảng bá, giới thiệu tất cả 560 sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh. Lượng khách truy cập từ đầu năm 2023 đến nay là trên 200.000 lượt truy cập. Trong tương lai gần, sàn TMĐT http://ocop.com.vn được định hướng sẽ phát triển thành một kênh bán hàng online chuyên nghiệp, uy tín, góp phần đưa các sản phẩm chủ lực của tỉnh vươn xa trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế.

Phản ánh thực tiễn từ doanh nghiệp, đại diện Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam cho biết, phía công ty đang tích cực tiếp cận với các hình thức để thúc đẩy phát triển TMĐT xuyên biên giới. Đây là cơ hội rất tốt để doanh nghiệp thúc đẩy, quảng bá các sản phẩm của công ty, tiếp cận với nhiều bạn hàng, thị trường mới hơn trong thời gian tới.

Ngoài các nội dung trên, thời gian qua Quảng Ninh đã đẩy mạnh tổ chức kết nối giữa các doanh nghiệp trong tỉnh với những chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT, cũng như TMĐT xuyên biên giới. Nhiều hội thảo, hội nghị, gặp gỡ đã được tổ chức liên tục trong thời gian qua đem lại những cơ hội thiết thực cho các doanh nghiệp còn non trẻ đối với TMĐT trên địa bàn. Đáng chú ý, 2 hội nghị, hội thảo tập huấn, đào tạo nâng cao kỹ năng TMĐT xuyên biên giới, nâng cao năng lực xuất khẩu và quảng bá sản phẩm thông qua TMĐT xuyên biên giới - Cơ hội bán hàng trên sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh và nền tảng Tiktok. Tỉnh còn phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương trong việc kết nối Sàn giao dịch TMĐT của tỉnh Quảng Ninh với các Sàn TMĐT của các tỉnh, thành trong cả nước, đồng thời kết nối các chương trình hợp tác quốc tế về lĩnh vực TMĐT và Sàn giao dịch TMĐT… Phấn đấu giai đoạn 2021-2025 sẽ có 350-400 doanh nghiệp tham gia Sàn giao dịch TMĐT của tỉnh. Đồng thời phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước về TMĐT, đẩy mạnh cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính công. Triển khai các ứng dụng, sử dụng giải pháp phần mềm quản lý trực tuyến đối với các hoạt động quản lý nhà nước về TMĐT.

Với nhiều giải pháp hiệu quả, đến nay TMĐT tại Quảng Ninh đã trở thành hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của tỉnh, đưa Quảng Ninh sớm trở thành tỉnh có thị trường TMĐT phát triển trong tốp đầu của cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động và nhân dân trong tỉnh.

Nguồn Báo Quảng Ninh

 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 148