Phát huy vai trò của các mô hình, CLB dân số

Những năm qua, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã triển khai nhiều mô hình, CLB dân số, với những cách làm hay, hiệu quả. Từ đó, chất lượng chăm sóc SKSS từng bước được cải thiện, đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh.

Một trong những mô hình hiệu quả góp phần chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên là các CLB Tiền hôn nhân. CLB chính là kênh thông tin hữu ích, giúp giới trẻ thay đổi nhận thức, chủ động tham gia khám sức khỏe trước khi kết hôn và sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, hiện đại. Năm 2022 cũng là năm đạt được nhiều kết quả khả quan đối với mô hình khám sức khỏe tiền hôn nhân. Các CLB về sức khỏe tiền hôn nhân được tổ chức sinh hoạt hằng quý với mục tiêu nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành chăm sóc SKSS vị thành niên - thanh niên, trở thành kênh thông tin hữu ích của các bạn trẻ. Tỷ lệ các cặp đôi được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn hằng năm đạt 90%.

Từ năm 2011, CLB Tiền hôn nhân được triển khai tại hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Để duy trì hiệu quả hoạt động của các CLB, Chi cục đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn các trạm y tế thành lập CLB để tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân. Các buổi sinh hoạt CLB được triển khai theo chủ đề cụ thể, do Ban Chủ nhiệm CLB xây dựng, tập trung chủ yếu vào: Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác DS-KHHGĐ, SKSS vị thành niên, dấu hiệu thai nghén có nguy cơ cao, chẩn đoán thai sớm, chăm sóc bà mẹ mang thai...

Chỉ tính riêng trong năm 2022, hoạt động tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân đã được thực hiện hiệu quả với 5.781 người được tư vấn sức khỏe và 4.867 người được khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Thực tế cho thấy tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh có chiều hướng gia tăng. Vì thế, CLB “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” được thành lập, nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, giáo dục chuyển đổi hành vi giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cho các gia đình trên địa bàn. Năm 2022, 177/177 CLB đã tổ chức được 708 buổi sinh hoạt, thu hút trên 25.000 lượt người tham dự. Hoạt động tuyên truyền về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cũng được triển khai hiệu quả với 400 tin, bài phát trên hệ thống loa truyền thanh của các xã, phường, thị trấn.

Cách thức tuyên truyền về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh được đa dạng hóa từ tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, website, pano, áp phích, tờ rơi, hệ thống loa, đài, đến tổ chức các đợt tuyên truyền miệng, sân khấu hóa... Đặc biệt, 100% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được tuyên truyền, tư vấn về giới tính khi sinh.

Các địa phương còn duy trì, thành lập các CLB Phụ nữ không sinh con thứ ba, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; CLB Phụ nữ gia đình sinh con một bề là gái... để lồng ghép tuyên truyền các nội dung về giới và giới tính khi sinh vào các buổi sinh hoạt.

Anh Nguyễn Văn Công (thôn 4, xã Hải Đông, TP Móng Cái) chia sẻ: Được tham gia các buổi tuyên truyền về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh thông qua các CLB về dân số, gia đình, tôi ý thức được việc không nên lựa chọn giới tính khi sinh, không phân biệt sinh con trai hay con gái, mà dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt. Hiện vợ chồng tôi đã có 2 con gái sinh đôi, các cháu đều học hành giỏi giang, học xong đại học và đều có công việc ổn định.

Cùng với đó, ngành dân số tỉnh cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực từ mô hình nâng cao chất lượng dân số vùng DTTS. Mô hình triển khai tại 74 xã của 9 huyện, thị xã, thành phố có tỷ lệ đồng bào DTTS cao. Các CLB đều tổ chức sinh hoạt 1 lần/quý theo chuyên đề về những nội dung, như: SKSS thanh niên, vị thành niên; lợi ích của khám sức khỏe tiền hôn nhân, các biện pháp tránh thai an toàn, tảo hôn và hôn nhân cận huyết... Các hoạt động được triển khai đạt hiệu quả, thu hút cộng đồng dân cư tham gia tích cực...

Nguồn Báo Quảng Ninh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 1276