Ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt
Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở lên trầm trọng và phổ biến dẫn tới suy thoái môi trường đất, nước, không khí, đặc biệt là tại các đô thị lớn lượng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng. Mặc dù số lượng các nhà máy đã xây dựng trạm xử lý chất thải tăng lên trong những năm gần đây nhưng hiện trạng ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện.
Tác hại của rác thải sinh hoạt đến môi trường
Theo số liệu thống kê, bình quân mỗi năm cả nước phát sinh thêm khoảng 25.000 tấn rác thải sinh hoạt, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ các đô thị có xu hướng tăng trung bình từ 10% - 16%. Trong đó, tỷ lệ thu gom rác thải tại các đô thị bình quân trên cả nước chỉ đạt khoảng 70% - 85%.
Hiện nay, trên toàn quốc lượng chất thải sinh hoạt ở các khu đô thị phát sinh 38.000 tấn mỗi ngày, tỷ lệ thu gom, xử lý hơn 85%. Con số này ở nông thôn là 32.000 tấn mỗi ngày và chỉ thu gom được khoảng 55%.
Rác thải sinh hoạt có ảnh hưởng tới nhiều mặt của môi trường, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay. Cụ thể:
- Rác thải sinh hoạt ảnh hưởng rất lớn đến cả nguồn nước mặt và nước ngầm. Rác có thể do người dân đổ trực tiếp hoặc bị cuốn trôi theo nước mưa xuống sông, ao hồ, cống rãnh… Lượng rác này sau khi bị phân huỷ sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp đến chất lượng nước mặt, nước ngầm trong khu vực, làm ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, gây ra các bệnh nguy hiểm.
- Trong thành phần rác thải có chứa nhiều chất độc, khi rác thải được đưa vào môi trường và không được xử lý khoa học thì những chất độc xâm nhập vào đất sẽ tiêu diệt nhiều loài sinh vật có ích cho đất, làm cho môi trường đất bị giảm tính đa dạng sinh học và phát sinh nhiều sâu bọ phá hoại cây trồng. Đặc biệt, hiện nay, việc sử dụng tràn lan các loại túi nilon trong sinh hoạt hằng ngày, mà các túi nilon này cần 50 - 60 năm mới phân hủy trong đất. Do đó, chúng tạo thành các bức tường ngăn cách trong đất, hạn chế quá trình phân hủy, tổng hợp các chất dinh dưỡng, làm cho đất giảm độ phì nhiêu, đất bị chua và năng suất cây trồng giảm sút.
- Rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi, chất đống lộn xộn, không thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý,… để lại những hình ảnh không đẹp, gây mất mỹ quan.
- Trong rác thải sinh hoạt, thường hàm lượng hữu cơ chiếm tỷ lệ lớn. Các loại rác hữu cơ dễ phân huỷ gây hôi thối, phát triển vi khuẩn gây hại làm ô nhiễm, mất vệ sinh môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe. Khu tập trung rác là nơi thu hút, phát sinh và phát triển chuột, ruồi, muỗi, gián, các loại vi trùng gây nhiều chứng bệnh truyền nhiễm cho con người, vật nuôi trong gia đình. Rác thải không được thu gom, tồn đọng trong không khí, lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của những người sống xung quanh… Đặc biệt, các bãi rác công cộng là nguồn mang dịch bệnh.
Để bảo vệ sức khỏe của bản thân, cộng đồng cũng như làm cho môi trường sống không bị ô nhiễm bởi rác thải, mỗi người dân hãy nêu cao ý thức bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ hằng ngày.
Thực trạng thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt
Phương pháp xử lý rác thải chính hiện nay của nước ta là chôn lấp, với kỹ thuật đơn giản. Thực tế cho thấy, các phương pháp xử lý rác thải tại nước ngoài áp dụng cho nước ta đều không hiệu quả do đặc thù rác thải chưa được phân loại tại nguồn. Hiện nay, lượng rác ở đô thị được đưa đến bãi chôn lấp tập trung chỉ chiếm 60% - 65% , lượng rác còn lại được vứt ở ao hồ, kênh rạch, ven đường.
Thực tế, tình hình quản lý rác thải sinh hoạt có nhiều bước tiến, tuy nhiên vẫn không đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của rác thải sinh hoạt.
Cả nước hiện có gần 100 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt, tuy nhiên chỉ có 20 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh có thể gây ra ô nhiễm môi trường đất, không khí và đặc biệt là nước thải rỉ rác từ các bãi chôn lấp. Trong khi ở các nước tiên tiến, với công nghệ kỹ thuật hiện đại, họ xử lý rác thải sinh hoạt bằng cách ủ phân compost, không chỉ giải quyết được vấn đề rác thải mà còn đem lại lợi ích kinh tế. Hiện nay, việc khống chế mùi hôi tại các bãi chôn lấp được thực hiện bằng việc phun các chế phẩm sinh học và được thực hiện thủ công, điều này có thể gây độc hại cho công nhân.
Ở nước ta, phương pháp đốt thường được ứng dụng trong xử lý rác thải nguy hại, chủ yếu là chất thải y tế. Rác thải sinh hoạt thường chứa độ ẩm cao do đó phương pháp đốt không hiệu quả. Mặt khác, việc đầu tư một lò đốt công nghiệp thường yêu cầu kinh phí khá lớn. Công nghệ đốt nếu vận hành không đúng kỹ thuật sẽ sinh ra các chất làm ô nhiễm không khí, do đó cũng cần có hệ thống xử lý khí thải khi áp dụng phương pháp đột.
Phương pháp dùng rác thải sinh hoạt để sản xuất phân hữu cơ không phổ biến và chỉ giải quyết được một lượng nhỏ rác thải sinh hoạt. Việc đầu tư dây chuyền công nghệ để sản xuất phân hữu cơ cũng khá tốn kém. Mặt khác, việc sử dụng phân hữu cơ trong nông nghiệp chưa được phổ biến rộng rãi, vì thế nguồn cung không lớn. Nếu phân hữu cơ không có ưu điểm vượt trội thì rất khó cạnh tranh với các loại phân bón truyền thống.
Trước tình hình này, vấn đề lựa chọn công nghệ xử lý rác thải phù hợp là một nhiệm vụ quan trọng đối với các nhà khoa học, các cấp chính quyền. Làm thế nào để lựa chọn được phương pháp xử lý phù hợp với tính chất rác thải cũng như điều kiện kinh tế nước ta đang là một câu hỏi khó./.
Nguồn Tạp chí Cộng sản
Tin tức khác
- Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng dự sinh hoạt chi bộ khu phố 1 (phường Giếng Đáy, TP Hạ Long)
- Sổ tay “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng năm 2024”
- THÔNG BÁO Công khai tình hình thực hiện dự toán ngân sách phường Giếng Đáy 9 tháng năm 2024
- THÔNG BÁO Công khai tình hình thực hiện dự toán ngân sách phường Giếng Đáy Quý 3 năm 2024
- Nâng cao kỹ năng số cho người dân