Nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở

Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” của tỉnh đã góp phần nâng cao hiệu quả hòa giải ở cơ sở, giảm thiểu các tranh chấp, mâu thuẫn trong đời sống xã hội, giữ vững ANTT trên địa bàn tỉnh...

Những năm gần đây, trên địa bàn TP Hạ Long triển khai rất nhiều dự án, số lượng GPMB lớn, kéo theo tình hình khiếu nại, phản ánh ở thành phố tăng nhiều. Năm 2022,  thành phố tiếp nhận 2.390 đơn, trong đó có 1.192 đơn đủ điều kiện xử lý, thuộc thẩm quyền giải quyết. Trước tình hình đó, thành phố không ngừng xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên cơ sở. Thành phố hiện có 10 tổ hòa giải cơ sở với 76 hòa giải viên. Các hòa giải viên được cập nhật kiến thức về lĩnh vực đất đai, hôn nhân, gia đình và nhiều kiến thức pháp luật khác. Qua đó, các đề nghị hòa giải ở cơ sở được các tổ hòa giải thực hiện tốt, đáp ứng yêu cầu công việc; tỷ lệ hòa giải thành năm 2022 đạt 84%.

Huyện Vân Đồn hiện có 72 tổ hòa giải cơ sở với 414 hòa giải viên. Những năm qua, huyện thực hiện tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ này. Từ năm 2019 đến nay, các tổ hòa giải đã hòa giải 212 vụ việc, trong đó 148 vụ việc hòa giải thành. Hoạt động của đội ngũ hòa giải viên cơ sở đã góp phần giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp trong cộng đồng dân cư. Bà Hoàng Thị Yên (thôn 9, xã Hạ Long) cho biết: Nhờ có đội ngũ hòa giải viên nhiệt tình của thôn mà những xích mích giữa những hộ dân đều được hòa giải kịp thời. Người dân thôn ngày càng đoàn kết, gắn bó với nhau hơn.

Triển khai Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”, các cấp chính quyền tỉnh đã xây dựng đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện để làm nòng cốt triển khai công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về công tác hòa giải viên cơ sở. Toàn tỉnh hiện có 5 tập huấn viên cấp tỉnh, 70 tập huấn viên cấp huyện. Đội ngũ này hằng năm đều được trang bị tài liệu, văn bản pháp luật, tập huấn nắm vững chính sách, thể chế để truyền tải nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở một cách hiệu quả.

Việc thành lập, kiện toàn các tổ hòa giải, hòa giải viên được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 1.469 tổ hòa giải ở 1.452 thôn, bản, khu phố với 9.138 hòa giải viên; trong đó có 1.835 hòa giải viên là người dân tộc thiểu số. Đa số hòa giải viên ở cơ sở là bí thư chi bộ, trưởng thôn (bản, khu phố), trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các tổ chức đoàn thể (hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên, hội người cao tuổi…). Đội ngũ này là những người có uy tín, phẩm chất đạo đức, am hiểu văn hóa, phong tục tập quán địa phương, có khả năng vận động, thuyết phục người dân chấp hành pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác.

Hằng năm, đội ngũ hòa giải viên cơ sở đều được tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải. Từ năm 2019 đến nay, Sở Tư pháp và UBND cấp huyện đã tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 8.821 lượt hòa giải viên; các địa phương đã biên soạn, in ấn, phát hành nhiều tài liệu, cấp phát cho các tổ hòa giải ở cơ sở.

Sở Tư pháp và các địa phương đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên cơ sở; tập huấn sử dụng internet để truy cập, tìm hiểu các văn bản pháp luật, các tài liệu về kỹ năng hòa giải cơ sở…

Nhờ vậy, chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao; số vụ việc hòa giải thành tăng. Năm 2021 hòa giải thành 1.232/1.548 vụ việc ở cơ sở, đạt tỷ lệ 79,57%; năm 2022 hòa giải thành 1.358/1.596 vụ việc, đạt tỷ lệ 85,08%. Các địa phương có tỷ lệ hòa giải thành cao là: Hải Hà, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đông Triều, Quảng Yên...

 Nguồn Báo Quảng Ninh

 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 957