Kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 8.697 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương. Trong đó có 173 cơ sở thuộc đối tượng phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP), 8.524 cơ sở nhỏ lẻ không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận ATTP.

Để đảm bảo ATTP theo lĩnh vực quản lý, ngay từ đầu năm, Sở Công Thương đã chủ động triển khai các hoạt động nhằm đảm bảo công tác ATTP. Trong đó, tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng bám sát tình hình thực tế tổ chức các hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát  ATTP một cách phù hợp; kết hợp tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm và thực hành tốt các quy định bảo đảm ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại cơ sở; xây dựng và triển khai tổ chức các hội nghị tập huấn, phổ biến kiến thức về ATTP cho các cán bộ làm công tác quản lý vệ sinh ATTP tại các phòng kinh tế, ban quản lý các chợ, cán bộ quản lý ATTP tại xã, phường, thị trấn và chủ cơ sở, người lao động trực tiếp tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực Công Thương quản lý trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, triển khai các biện pháp phòng chống, ngăn chặn hạn chế tối đa các bệnh lây truyền qua thực phẩm trong cộng đồng, không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể lớn trên 30 người mắc.

Mới đây, căn cứ Kế hoạch số 52/KH-BCĐLNATTP (ngày 10/4/2023) của Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh, Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2023 tới tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, với chủ đề “Bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới”. Theo đó, tập trung kiểm soát chất lượng thực phẩm các khâu nguồn gốc nguyên liệu, vận chuyển, bảo quản, quá trình sản xuất, chế biến; nhập khẩu và lưu thông trên thị trường; thực hiện các quy định về bảo đảm ATTP theo quy định của Luật ATTP; lấy mẫu gửi Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh xét nghiệm các chỉ tiêu ATTP theo quy định khi cần thiết; lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn bằng phương pháp xét nghiệm nhanh… 

Từ ngày 24 đến 28/4/2023 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP số 2, do Sở Công Thương làm Trưởng đoàn, đã đi kiểm tra tại 10 cơ sở sản xuất kinh doanh bánh, mứt, kẹo, rượu thủ công... tại các địa phương: Cẩm Phả, Vân Đồn, Ba Chẽ. Tại thời điểm kiểm tra, các cơ sở trên chưa phát hiện ra vi phạm về ATTP cần phải xử lý vi phạm hành chính.

Ông Trần Phong, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương, cho biết: Nhìn chung, các cơ sở sản xuất kinh doanh đoàn đến kiểm tra cơ bản chấp hành các quy định pháp luật về ATTP, hồ sơ pháp lý, công bố sản phẩm, kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ, nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chủ cơ sở và nhân viên thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ theo quy định và đã được tập huấn xác nhận kiến thức về ATTP. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như một số cơ sở chưa sắp xếp bố trí gọn gàng, chưa giữ gìn vệ sinh tại khu vực sản xuất, kinh doanh; việc lưu trữ hồ sơ giấy tờ chưa khoa học…

Thời gian tới, Sở Công Thương tăng cường phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, phát hiện và xử lý nghiêm việc kinh doanh các loại sản phẩm thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đủ các điều kiện lưu thông trên thị trường; triển khai các hoạt động kiểm tra ATTP tại các chợ, siêu thị, nhất là vào các dịp cao điểm 30/4, 1/5, Trung thu…

Nguồn Báo Quảng Ninh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 287