Hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng thế giới (24-30/4)"Tiêm chủng là cách tốt nhất để phòng bệnh"

Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh phỏng vấn bác sĩ CKII Trần Thị Diệp, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (CDC Quảng Ninh) về lợi ích, tầm quan trọng của tiêm chủng.

- Thưa bác sĩ tầm quan trọng của tiêm chủng vắc-xin và hiện có thể dự phòng bao nhiêu bệnh truyền nhiễm bằng vắc-xin?

+ Tiêm chủng vắc-xin là một trong những biện pháp an toàn và hiệu quả nhất để dự phòng các bệnh truyền nhiễm và bảo vệ sức khỏe con người; nhất là trong giai đoạn hiện nay khi dịch Covid-19 bùng phát, càng khẳng định vai trò quan trọng của vắc-xin trong phòng, chống dịch bệnh.

Về bản chất, tiêm chủng chính là sử dụng vắc-xin nhằm kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu để chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Đến nay 30 bệnh truyền nhiễm đã có vắc-xin phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa vắc-xin vào sử dụng phổ cập cho người dân.

Tại Việt Nam, chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) cho trẻ em và phụ nữ có thai đã được Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những chương trình y tế công cộng hiệu quả và thành công nhất. Nhờ đó hàng triệu trẻ không bị mắc, không bị chết, không bị các di chứng của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phổ biến; hàng triệu phụ nữ và trẻ sơ sinh không bị mắc uốn ván trong sản khoa. Đặc biệt, chương trình TCMR đã giúp Việt Nam thanh toán bệnh đậu mùa, bệnh bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh và đang thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh sởi và giảm tỷ lệ nhiễm viêm gan vi rút B ở trẻ dưới 5 tuổi xuống 1% những năm kế tiếp. Các bệnh truyền nhiễm khác như bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản, sởi đã giảm một cách ngoạn mục từ hàng trăm đến hàng nghìn lần so với thời kỳ trước tiêm chủng.

Ngoài ra, người dân có thể tiêm những loại vắc-xin dịch vụ để phòng các bệnh, như: Bạch hầu - ho gà - uốn ván, thủy đậu, sởi - quai bị - rubella, cúm, viêm gan B, viêm màng não do não mô cầu, các bệnh lý do phế cầu gây ra… Đặc biệt ở lứa tuổi từ 9-26, các bậc phụ huynh cho con em mình tiêm vắc-xin Gardasil 4 hoặc Gardasil 9 để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung, bệnh sinh dục. Toàn tỉnh hiện có 50 cơ sở tiêm chủng dịch vụ, trong đó 12 phòng tiêm dịch vụ tại các trung tâm y tế (trừ Trung tâm Y tế huyện Cô Tô) và 38 cơ sở tiêm chủng dịch vụ tư nhân.

Nhờ tiêm chủng nên tỷ lệ nhiễm các bệnh truyền nhiễm có vắc-xin phòng bệnh giảm một cách rõ rệt, đặc biệt là trẻ em sẽ không bị các di chứng, dị tật do bệnh truyền nhiễm gây ra, giúp trẻ phát triển thể chất và trí não bình thường. Bên cạnh đó, vắc-xin còn có những tác động lâu dài cho cá nhân và cộng đồng, như tăng khả năng và năng suất lao động do không bị ốm đau. Tất cả những điều này góp phần quan trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

- Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tiếp tục được tỉnh triển khai như thế nào, thưa bác sĩ?

+ Từ tháng 3/2021 đến nay, tỉnh đã triển khai tiêm chủng an toàn trên 4,2 triệu liều vắc-xin (AstraZeneca, Moderna, Pfizer, Verocell) phòng Covid-19 cho các đối tượng người dân trên địa bàn tỉnh theo quy định của Chính phủ, Bộ Y tế. Cụ thể: Người từ 18 tuổi trở lên (966.136 người) trong tỉnh đã được tiêm 4 mũi, đạt trên 99%; trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi (122.113 người) mũi 1, 2, đạt trên 99%, mũi 3 đạt 86,08%; trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi (174.327 người) mũi 1 đạt 98,94%, mũi 2  đạt 91,21%. Với tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đạt cao, 99,5% những người dân Quảng Ninh mắc Covid-19 đều ở thể nhẹ, không triệu chứng; chỉ có 163 ca tử vong.

Thời gian tiếp theo, tỉnh thực hiện rà soát các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Theo kế hoạch trong tháng 4/2023, toàn tỉnh thực hiện tiêm chủng cho khoảng 2.000 người từ 18 tuổi trở lên và trên 1.700 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

- Có thể thấy sự cần thiết của tiêm chủng, nhưng cũng có những lo ngại về vắc-xin, bác sĩ có thể cho biết thêm?

+ Dù là vắc-xin được sản xuất trong nước hay ở nước ngoài thì quá trình sản xuất đã phải trải qua các thử nghiệm nghiêm ngặt, như thử nghiệm lâm sàng qua 3 giai đoạn. Sau đó vắc-xin tiếp tục được giám sát và đánh giá tính an toàn và hiệu quả sau khi đưa vào sử dụng. Đồng thời các nhà khoa học cũng thường xuyên thu thập các thông tin từ nhiều nguồn về bất kỳ báo cáo nào về các phản ứng sau tiêm. Hầu hết các phản ứng sau tiêm của các vắc-xin thường nhẹ và tồn tại trong thời gian ngắn. Những phản ứng sau tiêm nặng hiếm gặp thường được báo cáo sớm, điều tra và xử trí kịp thời. Nguy cơ phản ứng sau tiêm vắc-xin là thấp hơn rất nhiều so với nguy cơ mắc bệnh và tử vong do không được tiêm vắc-xin.

Để đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng, đội ngũ y, bác sĩ tham gia công tác tiêm chủng đều tuân thủ quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế. Đối với người dân đến các điểm tiêm chủng cũng cần nghiêm túc tuân thủ hướng dẫn của cán bộ y tế, đặc biệt theo dõi 30 phút sau tiêm tại điểm tiêm và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

Nguồn Báo Quảng Ninh

 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 286