Để dịch bệnh không có cơ hội bùng phát
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Quảng Ninh xuất hiện một số dịch bệnh gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Bởi vậy, việc nâng cao năng lực phòng chống dịch luôn là vấn đề được ngành Y tế quan tâm.
Cụ thể, 6 tháng năm 2023, ngoài các ca bệnh Covid-19, trên địa bàn tỉnh còn có 82 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó có các ổ dịch tại Hạ Long, Hải Hà, Móng Cái. Cùng với đó, trên địa bàn cũng ghi nhận 97 trường hợp bị chân tay miệng, 1.723 trường hợp mắc cúm mùa, 6 trường hợp bị bệnh viêm não vi rút, 298 ca mắc thủy đậu, 14 ca mắc quai bị. Đặc biệt, trên địa bàn huyện Hải Hà còn có 1 trường hợp tử vong nghi do mèo dại cắn.
Trước tình hình đó, ngành Y tế tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống dịch bệnh. Ngành thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước để đưa ra cảnh báo kịp thời. Bên cạnh đăng tải thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, 6 tháng năm 2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh đã thực hiện 17 phóng sự truyền hình, phóng sự phát thanh; 1 phóng sự ảnh, 123 tin và đăng tải 34 bài phổ biến kiến thức phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; sản xuất 2 video tuyên truyền phòng chống dịch bệnh.
Công tác tập huấn giám sát, phát hiện ca bệnh truyền nhiễm, tập huấn lấy mẫu xét nghiệm cho các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến xã; tư vấn, hướng dẫn các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, trường học và nhân dân về việc khử trùng trong phòng chống dịch bệnh; tập huấn phòng chống lây nhiễm dịch bệnh trong các cơ sở y tế, trong cộng đồng; tuyên truyền, vận động người dân vào cuộc trong việc phát hiện, thông báo ca bệnh truyền nhiễm nơi cư trú... được tăng cường.
Các đơn vị y tế trên địa bàn tích cực trong hoạt động giám sát một số bệnh truyền nhiễm. Các đơn vị dự phòng và đơn vị điều trị phối hợp chặt chẽ, kịp thời phát hiện các ca mắc bệnh có thể bùng phát thành dịch để xử lý, khoanh vùng, dập dịch một cách nhanh chóng nhất. 6 tháng năm 2023, CDC tỉnh tổ chức giám sát véc tơ sốt xuất huyết định kỳ 31 điểm; cả 3 ổ dịch sốt xuất huyết đều được giám sát véc tơ truyền bệnh và phun diệt muỗi, bọ gậy kịp thời. CDC tỉnh cũng đã tổ chức 7 lượt giám sát ổ bọ gậy nguồn sốt xuất huyết tại các xã, phường trọng điểm trên toàn tỉnh; điều tra, giám sát véc tơ viêm não Nhật Bản định kỳ tại các ổ dịch cũ.
Đồng thời, Sở Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị dự phòng thực hiện phun chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết tại những khu vực dân cư có nguy cơ cao, phun khử trùng phục vụ các sự kiện của tỉnh...
Về phía các xã, phường, thị trấn tích cực vận động người dân hưởng ứng việc dọn dẹp vệ sinh môi trường, phun diệt muỗi, bọ gậy để phòng chống dịch; đồng thời vận động người dân đưa con em đi tiêm phòng đúng độ tuổi để phòng chống lây nhiễm bệnh dịch cho chính bản thân trẻ và cho cộng đồng. 6 tháng năm 2023, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi-rubella cho trẻ 19 tháng tuổi đạt 52,4%; tỉ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin được 38,86%. Ngành phần đấu đạt tỷ lệ tiêm chủng mở rộng trên 95% trong năm 2023.
Để nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, tỉnh luôn quan tâm, đầu tư trang thiết bị, máy móc, nâng cao năng lực xét nghiệm phòng chống dịch cho các đơn vị y tế trên địa bàn. CDC tỉnh được xây mới và chuẩn bị đi vào hoạt động trong năm nay. Phòng xét nghiệm của CDC tỉnh được đầu tư tương đối hoàn chỉnh từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh, được công nhận đạt ISO 17025-2005, đạt 100% chỉ tiêu xét nghiệm theo chuẩn Quốc gia do Bộ Y tế ban hành. Trang thiết bị của Trung tâm về cơ bản đã đáp ứng được những tiêu chuẩn của đơn vị dự phòng tuyến tỉnh theo quy định và nhu cầu phòng chống dịch trên địa bàn. Các trung tâm y tế tuyến huyện đều sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng có hiệu quả trong mọi tình huống dịch bệnh.
Quảng Ninh là tỉnh đi đầu triển khai được các kỹ thuật xét nghiệm chuyên sâu như: Chẩn đoán cúm A (H5N1, H7N9); SARS-CoV-2; tay chân miệng, rubella, sốt xuất huyết, sởi, định lượng nồng độ một số loại vi rút viêm gan, HPV, HIV… Quảng Ninh cũng là một trong số những địa phương đầu tiên của toàn quốc triển khai hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm trên phần mềm đến trạm y tế tuyến xã. Qua đó giúp các xã, phường chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Việc việc đầu tư, nâng cao năng lực hoạt động phòng chống dịch bệnh, các đơn vị y tế đã mang lại sự yên tâm cho người dân; góp phần rất lớn trong trong ổn định tình hình, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế trên địa bàn thời gian qua.
Nguồn Báo QN
Tin tức khác
- Sổ tay “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng năm 2024”
- THÔNG BÁO Công khai tình hình thực hiện dự toán ngân sách phường Giếng Đáy 9 tháng năm 2024
- THÔNG BÁO Công khai tình hình thực hiện dự toán ngân sách phường Giếng Đáy Quý 3 năm 2024
- Nâng cao kỹ năng số cho người dân
- Công bố, công khai Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Phân khu 5 tại các phường: Bãi Cháy, Giếng Đáy, Hà Khẩu và Việt Hưng, thành phố Hạ Long