Chung tay hành động vì môi trường
Quảng Ninh là một địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, nhưng đồng thời cũng có những giá trị nổi trội, khác biệt để phát triển du lịch, dịch vụ. Lợi thế này đặt ra thách thức cho tỉnh Quảng Ninh trong phát triển kinh tế đó là vừa đảm bảo khai thác được tiềm năng, thế mạnh nhưng phải bảo vệ được môi trường sinh thái của tỉnh. Để phát triển bền vững, Quảng Ninh luôn coi bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng và thực hiện các giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn và giảm thiểu sự suy thoái của tài nguyên thiên nhiên, nguy cơ ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, nâng cao năng lực quản lý môi trường của tỉnh.
Công tác bảo vệ môi trường (BVMT) luôn được cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở của Quảng Ninh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Tỉnh đã sớm ban hành các chủ trương, định hướng về công tác BVMT có tính chất chuyên sâu để chỉ đạo và tổ chức thực hiện, triển khai hướng tiếp cận nền kinh tế xanh tới mục tiêu lồng ghép các biện pháp BVMT vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội nhằm thực hiện và giải quyết các vấn đề tiềm ẩn về môi trường không khí, nước và kiểm soát chất lượng đất, quản lý chất thải rắn, quản lý đa dạng sinh học và các vấn đề biến đổi khí hậu...
Tỉnh cũng đã xây dựng quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu sự suy thoái của tài nguyên thiên nhiên, nguy cơ ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, nâng cao năng lực quản lý môi trường của tỉnh.
Ngày 12/3/2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU "về bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018-2022”. Thực hiện Nghị quyết này, công tác BVMT đã đạt được những kết quả khả quan trên các lĩnh vực. 100% cấp ủy cơ sở đưa chỉ tiêu về môi trường vào nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ hằng năm. Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, địa phương, đơn vị được xác định rõ trong lãnh chỉ đạo và đảm bảo nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Tiếp đó, ngày 26/9/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường (BVMT), phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030. Với việc ban hành Nghị quyết số 10, Quảng Ninh tiếp tục khẳng định công tác BVMT đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của tỉnh.
Trên cơ sở Quy hoạch môi trường của tỉnh, 100% các địa phương đã lập Quy hoạch BVMT đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đây là một trong những tài liệu kỹ thuật quan trọng để thực hiện công tác quản lý, BVMT trong thời gian tới khi triển khai chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh và chiến lược BVMT quốc gia. Hằng năm UBND tỉnh ban hành các kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền về môi trường trong toàn tỉnh; tổ chức các hoạt động hưởng ứng theo các chủ đề được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo triển khai.
Công tác quản lý nhà nước về BVMT cũng được tăng cường, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về BVMT từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở cơ bản đã được kiện toàn và tăng cường năng lực. Tại cấp huyện: Phòng tài nguyên và Môi trường đều được bố trí từ 1 đến 2 cán bộ làm công tác môi trường. Cấp xã đã bố trí cán bộ địa chính, cán bộ y tế hoặc cán bộ văn hóa làm kiêm nhiệm công tác bảo vệ môi trường. Tại các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cũng đã thành lập phòng môi trường để thực hiện các nhiệm vụ về BVMT. Các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường của các địa phương đã thực hiện công tác quản lý nhà nước về BVMT gắn với công tác chỉnh trang đô thị, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu; nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện các quy định về BVMT của các tổ chức, cá nhân; hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình hoàn thiện hồ sơ pháp lý về BVMT.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về BVMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các cụm công nghiệp, khu công nghiệp được thực hiện thường xuyên, tập trung vào các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Các sở, ngành đã xây dựng các quy chế/kế hoạch phối hợp, xác định rõ trách nhiệm giữa các ngành, các cấp trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin, tiếp nhận và xử lý các tin báo, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT. Tỉnh đã thực hiện Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh; thiết lập Danh mục số điện thoại, thư điện tử đường dây nóng, bộ phận, cán bộ chịu trách nhiệm quản lý phần mềm tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân...
Cùng với đó, các ngành chức năng cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiểm tra, phát hiện, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT, kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT. Trong giai đoạn 2018 -2022, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử lý trên 1.300 vụ việc đối với hơn 1.500 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền 27.851,6 triệu đồng; khởi tố, xử lý hình sự 36 vụ đối với 1 tổ chức và 37 đối tượng. Đồng thời cũng kịp thời đề xuất, biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện công tác BVMT, thông qua các chương trình sơ kết, tổng kết, các hội thi...
Đồng chí Phạm Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết: Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là các doanh nghiệp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của BVMT trong phát triển KT-XH đã có sự chuyển biến rõ rệt. Vai trò vận động, giám sát, phản biện của MTTQ và các đoàn thể đã phát huy hiệu quả. Trách nhiệm và vai trò người đứng đầu từng bước được nâng cao. Các ngành, địa phương đều xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH, lồng ghép nhiệm vụ BVMT; phân công lãnh đạo phụ trách và bố trí cán bộ theo dõi lĩnh vực BVMT; xác định rõ việc BVMT là trách nhiệm của toàn xã hội.
Hành động vì sự phát triển bền vững
Những năm qua, nguồn lực cho BVMT được Quảng Ninh liên tục tăng cường. Trong đó ngân sách chi cho hoạt động sự nghiệp môi trường được bố trí tăng hằng năm và không dưới 3% tổng chi NSNN, cao hơn mức quy định của Trung ương (không dưới 1%); hạ tầng kỹ thuật về môi trường được đầu tư xây dựng, nâng cấp; ô nhiễm môi trường cơ bản được kiểm soát, trên địa bàn tỉnh không có cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không để xảy ra sự cố về môi trường.
Đặc biệt, ngày 7/12/2016, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 38/2016/NQ-HĐND quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương; định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020. Theo đó phí bảo vệ môi trường từ khai thác than được điều tiết 100% cho ngân sách các địa phương để thực hiện nhiệm vụ về môi trường.
Hiện nay, Quảng Ninh đã hoàn thành xây dựng, lồng ghép các phương án bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Được HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV - Kỳ họp thứ 9 thông qua tại Nghị quyết số 108/NQ-HĐND ngày 9/7/2022). Trong đó, đã kế thừa và phát huy giá trị của Quy hoạch Môi trường tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch Môi trường vịnh Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030... để phòng ngừa ô nhiễm môi trường ngay từ các phương án phát triển kinh tế xã hội.
Tỉnh cũng đang triển khai quyết liệt lộ trình đóng cửa mỏ, giảm dần và tiến đến chấm dứt khai thác than lộ thiên đối với các dự án tại vùng Hạ Long và vùng Cẩm Phả, tăng dần sản lượng khai thác than hầm lò và hiện đại hóa công nghệ khai thác, giảm tối đa tổn thất tài nguyên, bảo đảm phát triển bền vững, cùng song hành giữa ngành than và ngành du lịch. Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng công tác cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản; thực hiện xanh hóa môi trường khu vực khai khoáng, thiết lập các vành đai cây xanh, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh than... đến cuộc sống của người dân, môi trường, cảnh quan du lịch, khu đô thị xung quanh.
Ông Ðặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV, cho biết: Công tác bảo vệ môi trường đã được các doanh nghiệp ngành than thực hiện với ý thức trách nhiệm rất cao, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu song hành cùng sản xuất, góp phần xây dựng môi trường sống, làm việc xanh, sạch, đẹp. Cùng với việc trồng cây cải tạo phục hồi môi trường các khu vực bãi thải, nhiều năm qua, các đơn vị trong ngành cũng xây dựng vườn hoa, cây xanh tại văn phòng, phân xưởng trên khai trường mỏ, tại mặt bằng công nghiệp, khuôn viên nhà máy... Qua đó, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp trong các đơn vị ngành than.
Cùng với việc thực hiện tốt các giải pháp BVMT trong khai thác than, Quảng Ninh đang quyết liệt thực hiện các giải pháp để đảm bảo đúng lộ trình đến năm 2025 chấm dứt khai thác, đóng cửa toàn bộ mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường để hoàn nguyên môi trường theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Các sở ngành tham mưu UBND tỉnh không cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ đá và thực hiện lộ trình đóng cửa mỏ, không gia hạn các mỏ đá vôi nằm dọc theo các tuyến đường cao tốc, đường quốc lộ, khu vực cảnh quan ven Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh có nhiều văn bản gửi các bộ, ngành liên quan đề xuất điều chỉnh, đưa việc đầu tư giai đoạn 2 của 2 nhà máy xi măng Hạ Long và Thăng Long ra khỏi Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020; tiến tới chấm dứt hoạt động của 2 nhà máy này vào năm 2030, nhằm bảo vệ môi trường, cảnh quan khu vực Cửa Lục, Vịnh Hạ Long và cộng đồng dân cư xung quanh. Đồng thời phấn đấu chậm nhất đến năm 2030 sẽ chấm dứt hoạt động, di dời toàn bộ các nhà máy xi măng, nhiệt điện hiện đang hoạt động ven bờ vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
Cùng với đó, công tác trồng rừng, bảo vệ rừng được quan tâm thực hiện. Tỉnh đã kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, hạn chế đến mức tối đa các vi phạm tác động đến đất, rừng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng. Giai đoạn từ năm 2018-2022, tỉnh đã thực hiện chuyển hơn 10.000ha rừng sản xuất tại các hồ, đập chứa nước quan trọng sang quy hoạch rừng phòng hộ đầu nguồn... để đảm bảo cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững, ổn định. Đã thành lập Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long (được UBND tỉnh xác lập tại Quyết định số 3363/QĐ-UBND ngày 31/8/2020); Thực hiện điều tra, quy hoạch, lập hồ sơ đề nghị công nhận khu bảo tồn đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (RAMSAR) cho khu đất ngập nước Đồng Rui (huyện Tiên Yên)...
Tỉnh cũng thực hiện cải tạo hành lang sinh thái ven biển, tập trung triển khai các dự án cải tạo, phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn ven biển và điều tra tài nguyên biển. Phục hồi và phát triển các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển tại vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, vùng biển Cô Tô - Đảo Trần; từng bước thả rạn nhân tạo, phấn đấu trồng phục hồi thêm khoảng từ 30-50 ha đến năm 2030; Tổ chức thực hiện tốt công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Chỉ thị số 18-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy như: Triển khai 2 mô hình đồng quản lý nguồn lợi sá sùng tại các xã Minh Châu và Quan Lạn huyện Vân Đồn và bãi Sá Sùng tại xã Đại Bình huyện Đầm Hà; các mô hình góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho khoảng 300 hộ gia đình góp phần tích cực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; Tổ chức đặt hàng sản xuất giống một số loài đặc sản có giá trị cao, các loài bản địa hiện suy giảm nghiêm trọng; đồng thời phối hợp với các đơn vị thực hiện thả khoảng 35,48 triệu con giống tôm, cua, cá các loại để tái tạo nguồn lợi thủy sản vào thủy vực tự nhiên...
Đến năm 2020, tỉnh cũng đã tiến hành xử lý xong 12 điểm ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật (giai đoạn 2015-2019), tiến hành rà soát 14 điểm còn lại và đối chiếu với quy định tại Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT ngày 31/12/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến thời điểm hiện tại, chưa phát hiện thêm các điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu. Đồng thời, thực hiện đầu tư xử lý chất thải rắn y tế theo mô hình cụm cơ sở y tế tại Bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả, Trung tâm Y tế huyện Hải Hà (xử lý chất thải rắn y tế bằng phương pháp hấp vi sóng) đồng thời thu hút đầu tư, tăng cường hợp tác để triển khai đầu tư và vận hành các cụm xử lý chất thải rắn y tế.
Tỉnh cũng hoàn thành dứt điểm các dự án di dân ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm (tổng số 558/558 hộ). Đến hết năm 2020, các đơn vị đã tích cực, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, công trình nhằm đảm bảo môi trường cấp bách với tổng kinh phí là 4,8 nghìn tỷ đồng đề triển khai các nhiệm vụ, giải pháp. Đến nay, cơ bản các chủ nguồn thải thuộc đối tượng phải thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP và Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã thực hiện lắp đặt, vận hành và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát. Đến tháng 8/2022, trên địa bàn tỉnh có tổng số 162 trạm QTMTTĐ được đầu tư lắp đặt và đi vào hoạt động. Tỉnh cũng đã ban hành Quy chế quản lý, vận hành hệ thống quan trắc môi trường tự động; chỉ đạo tổ chức chuyển tải liên tục, trực tiếp thông tin, dữ liệu tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các địa phương, công khai thông tin môi trường cho người dân được biết, giám sát.
Nguồn Báo Quảng Ninh
Tin tức khác
- Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng dự sinh hoạt chi bộ khu phố 1 (phường Giếng Đáy, TP Hạ Long)
- Sổ tay “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng năm 2024”
- THÔNG BÁO Công khai tình hình thực hiện dự toán ngân sách phường Giếng Đáy 9 tháng năm 2024
- THÔNG BÁO Công khai tình hình thực hiện dự toán ngân sách phường Giếng Đáy Quý 3 năm 2024
- Nâng cao kỹ năng số cho người dân