Cần quản lý chặt an toàn lao động tại các công trình dân dụng

Năm nào cũng vậy, trên địa bàn Quảng Ninh vẫn xảy ra các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) đối với người không theo hợp đồng lao động, chủ yếu ở những công trình xây dựng dân dụng. Trong khi đó, việc quản lý an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) ở các công trình này vẫn chưa được chú trọng nhiều.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, năm 2022 trên địa bàn Quảng Ninh đã xảy ra 9 vụ TNLĐ ở các công trình xây dựng làm chết 9 người; còn 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra 3 vụ TNLĐ làm chết 3 người làm việc không theo hợp đồng lao động (TP Hạ Long 2 vụ, 2 người chết; TX Quảng Yên 1 vụ, 1 người chết).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNLĐ ở khu vực người lao động không có hợp đồng lao động, như: Ngã từ trên cao, điện giật, sập đổ kết cấu công trình... Điều đáng nói là việc quản lý an toàn lao động ở các công trình mà người lao động không có hợp đồng lao động chưa được chú trọng.

Trước hết, qua báo cáo của các địa phương cho thấy, việc nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động về ATVSLĐ mới chỉ tập trung các doanh nghiệp. Lấy ví dụ như TP Hạ Long năm 2022 tổ chức 4 lớp tập huấn pháp luật lao động, BHXH, ATVSLĐ; tổ chức khóa huấn luyện giảng viên ATVSLĐ, nhưng thành viên tham gia các lớp này là chủ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Cũng trong năm 2022, Phòng LĐ-TB&XH thành phố phối hợp với Công an thành phố, UBND các xã, phường tổ chức 2 hội nghị tập huấn các quy định của pháp luật về ATVSLĐ-PCCN cho 486 người, nhưng đây chủ yếu là trưởng khu, trưởng thôn, cộng tác viên xã hội các xã, phường. Điều này cho thấy, chủ các đội xây dựng công trình dân dụng trên địa bàn gần như ít được tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức về ATVSLĐ.

Để đảm bảo an toàn lao động ở khu vực dân dụng, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn trong thi công xây dựng (QCVN 18: 2021/BXD) quy định các yêu cầu về kỹ thuật và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng công trình cho người ở công trường xây dựng và khu vực lân cận công trường xây dựng.

Từ năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND phân công, phân cấp thực hiện trách nhiệm về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn Quảng Ninh; trong đó giao UBND cấp huyện thực hiện nghiêm chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn; kiểm tra, hướng dẫn công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình. Thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn lao động trong thi công xây dựng, xử lý theo thẩm quyền, đề xuất xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn quản lý; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh đối với các công trình thi công xây dựng gây mất an toàn lao động trên địa bàn…

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, viên chức ở các xã, phường thường xuyên luân chuyển, khiến việc tập huấn kiến thức quản lý ATVSLĐ cho người mới tiếp nhận nhiệm vụ chưa được thường xuyên. Về phía cấp huyện khi thành lập đoàn liên ngành kiểm tra ATVSLĐ mới chủ yếu tập trung kiểm tra ở các doanh nghiệp, công trình xây dựng quy mô lớn; chưa chú trọng đến công trình dân dụng.

Về phía chủ nhà thuê đội xây dựng công trình dân dụng hiện nay cũng mới tập trung kiểm tra chất lượng trong quá trình xây dựng công trình, ít chú ý đến đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh; an toàn trong quá trình xây dựng...

Về phía các đội thợ xây trên địa bàn chủ yếu từ nơi khác đến, nên dựng lán trại tạm bợ cho thợ ở. Người trong đội thợ cũng chủ yếu là cùng làng, anh em họ hàng, nên hầu hết không có hợp đồng lao động và khi chẳng may xảy ra sự cố TNLĐ, các đội thợ chọn giải quyết vụ việc theo thỏa thuận, thống nhất với gia đình người bị nạn; trừ trường hợp chết do tai nạn trong quá trình xây dựng, chủ nhà, chủ thầu xây dựng ở các công trình nhà ở riêng lẻ mới khai báo.

Trước tình hình TNLĐ vẫn diễn ra ở khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, UBND các địa phương cần đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATVSLĐ phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề; trong đó ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Đồng thời, các địa phương cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở chủ nhà và chủ thầu xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ chấp hành nghiêm quy định VSATLĐ, xử phạt nghiêm trường hợp vi phạm để hạn chế tối đa TNLĐ xảy ra.

Nguồn Báo Quảng Ninh

 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 43