Bảo đảm quyền lợi cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh

Hiện nay, tình trạng các cơ sở kinh doanh không ký hợp đồng, trả lương thấp cho người lao động (NLĐ) vẫn đang xảy ra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của NLĐ. Để chấm dứt tình trạng này, mỗi địa phương cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt

Theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ "Quy định mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động", mức lương tối thiểu giờ theo vùng 1 là 22.500 đồng/giờ (thực hiện từ 1-7-2022). Đối tượng áp dụng là NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động, theo quy định của Bộ luật Lao động và người sử dụng lao động (SDLĐ) theo quy định của Bộ luật Lao động bao gồm: Doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng NLĐ làm việc cho mình theo thỏa thuận...

Tại Hà Nội, quy định này sẽ áp dụng tại tất cả các quận nội thành và các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Mê Linh, Chương Mỹ, thị xã Sơn Tây. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều hộ cơ sở kinh doanh thuộc các địa phương trên đang không ký hợp đồng và trả lương rất thấp cho NLĐ (khoảng 15.000-17.000 đồng/giờ). Hầu hết NLĐ tại những cơ sở kinh doanh này đều là sinh viên, có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài giờ học trên trường, để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, Vũ Ngọc Diệp (sinh viên năm thứ ba, Học viện Phụ nữ Việt Nam) đi làm tại một quán ăn trên phố Chùa Láng (quận Đống Đa, TP Hà Nội) với mức lương 17.000 đồng/giờ, thời gian lao động ít nhất là 5 giờ/ngày. “Công việc khá vất vả, nhiều khi phải tăng ca đến hơn 12 giờ đêm vì đông khách, nhưng lương chỉ được tăng thêm 2.000 đồng/giờ (bắt đầu tính từ 10 giờ đêm). Sau 6 tháng làm việc, tôi không được tăng lương theo lời chủ quán trao đổi trước khi vào làm việc và cũng không thể đòi hỏi quyền lợi gì vì không được ký hợp đồng lao động”, Vũ Ngọc Diệp cho biết. Về lý do trả lương thấp cho NLĐ, theo chia sẻ của nhiều chủ cơ sở kinh doanh, mức lương đang chi trả cho NLĐ theo giờ hiện nay là mức lương chung, phổ biến tại hầu hết các cơ sở kinh doanh. Đối tượng làm thêm theo giờ hầu hết là sinh viên nên thời gian làm việc không cố định, hay xoay ca, nhiều trường hợp làm một thời gian rồi nghỉ nên các cơ sở kinh doanh quyết định không ký hợp đồng lao động khi tuyển nhân viên.

Theo luật sư Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Công ty Luật TNHH Chí Công và Thiện Tâm, Điều 14 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người SDLĐ phải ký hợp đồng với NLĐ bằng văn bản nếu thời gian lao động từ đủ 1 tháng trở lên. Như vậy, lao động theo giờ hay theo tháng thì cũng phải tính theo quy định này. Nếu không thực hiện nghĩa là người SDLĐ đã vi phạm quy định của pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt lên đến 25 triệu đồng đối với cá nhân và 50 triệu đồng đối với tổ chức, theo khoản 1 Điều 9 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ "Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng". Đồng thời, người SDLĐ buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là: Trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho NLĐ tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định.

Trước tình trạng quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng như hiện nay, bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực lao động tới người dân, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh vi phạm.

Nguồn internet

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 1182