06 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động giai đoạn 2018-2023

Công đoàn Viên chức Việt Nam đề ra 06 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong các cấp công đoàn nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ đại diện cho người lao động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, giai đoạn 2018-2023.

Đổi mới, nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn

Theo đó, Công đoàn Viên chức đề nghị các cấp công đoàn nâng cao nhận thức về nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn, coi đây là phương thức bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ xa, trên diện rộng và hiệu quả.

Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là đoàn viên công đoàn đang công tác tại các cơ quan hành chính nhà nước và các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật.

Tăng cường công tác thông tin, đối thoại và tham gia các diễn đàn chính sách, chủ động nghiên cứu, điều tra, khảo sát và tổng hợp kiến nghị, đề xuất của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về những vấn đề sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật.

Có các giải pháp và hình thức phù hợp phát huy vai trò của người lao động trực tiếp sản xuất và cán bộ công đoàn ở cơ sở tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; tăng cường tương tác giữa tổ chức công đoàn với đoàn viên, người lao động trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật.

Tham gia tích cực, hiệu quả việc sửa đổi Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, các văn bản pháp luật khác liên quan đến lĩnh vực tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn, vệ sinh lao động, công chức, viên chức... và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó đặc biệt quan tâm các vấn đề lớn liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và tổ chức công đoàn.

Thực hiện có hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể

Các cấp công đoàn cần đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể tại doanh nghiệp thông qua hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc. Đồng thời, tôn vinh, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể; Khai thác hiệu quả thư viện thoả ước lao động tập thể của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tư vấn pháp luật

Tiếp tục triển khai thực Nghị quyết số 10b/NQ-BCH ngày 12/01/2017 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa XI) về nâng cao hiệu quả công tác pháp luật của tổ chức công đoàn trong tình hình mới. Đa dạng hóa nội dung, phương thức tư vấn pháp luật, trong đó tập trung đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật tại nơi làm việc.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội

Nâng cao nhận thức của các cấp công đoàn về công tác tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội, phản biện chính sách, pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Tích cực tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát gắn với công tác tuyên truyền, hướng dẫn thi hành pháp luật lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội và các chế độ chính sách liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và tổ chức Công đoàn.

Kiến nghị kịp thời với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Thực hiện có hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động

Tăng cường hơn nữa vai trò của công đoàn các cấp đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động, nhất là ở các doanh nghiệp; đưa nội dung công tác an toàn, vệ sinh lao động vào chương trình công tác cả nhiệm kỳ và từng năm với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Chủ động nghiên cứu, đề xuất ý kiến tham gia với các cơ quan chức năng trong xây dựng các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chế độ chính sách về an toàn, vệ sinh lao động.

Đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động. Thông tin rộng rãi một số vụ tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng, nguyên nhân, biện pháp phòng ngừa đến cán bộ công đoàn, người sử dụng lao động và người lao động biết để rút kinh nghiệm.

Tổ chức phong trào thi đua “Xanh – Sạch – Đẹp, Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động” đi vào thực chất và thiết thực. Nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên; tổ chức Hội thi an toàn, vệ sinh viên giỏi khi có đủ điều kiện.

Xây dựng đội ngũ cán bộ công đáp ứng yêu cầu của tình hình mới

Nâng cao nhận thức và năng lực của người đứng đầu các cấp công đoàn về nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động; coi đây là nhiệm vụ cốt lõi, sống còn của tổ chức, được ưu tiên đầu tư nguồn lực và công tác chỉ đạo. Nâng cao chất lượng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở, nhất là ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn các cấp về pháp luật lao động, công đoàn, tiền lương; kỹ năng đối thoại, thương lượng tập thể, thoả ước lao động tập thể, quan hệ lao động; công tác an toàn, vệ sinh lao động; chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp trong quá trình tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát, phản biện chính sách, pháp luật. Tăng cường và kiện toàn cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động ở các cấp công đoàn.

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 1175