Xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại
Xây dựng chính quyền tỉnh theo hướng chính quyền điện tử, phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực và hiệu quả; lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền từ tỉnh đến cơ sở là mục tiêu xuyên suốt và cũng là quyết tâm của Quảng Ninh từ nhiều năm qua. Kiên trì thực hiện những mục tiêu đó, Quảng Ninh tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, quyết tâm tạo chuyển biến mạnh mẽ theo hướng từ “lượng” sang “chất".
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã xác định cải cách hành chính là một trong 3 đột phá chiến lược và phấn đấu hằng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI. Đây là lần đầu tiên các chỉ số này được đưa vào thành một chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Quảng Ninh cũng là địa phương duy nhất trong cả nước đưa các chỉ số này vào văn kiện đại hội. Điều đó thể hiện sự cam kết của tỉnh với nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân về xây dựng một chính quyền phục vụ, do nhân dân, vì nhân dân, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, trở thành nội dung có tính chất bắt buộc với tất cả hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hằng năm của các cấp chính quyền toàn tỉnh.
Để hiện thực hóa mục tiêu nói trên, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung thực hiện cải cách quyết liệt, hiệu quả TTHC; thực hiện có hiệu quả nguyên tắc “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trung tâm hành chính công cấp huyện; cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Đến nay, trung bình các TTHC thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã được rút ngắn 40-60% thời gian giải quyết so với quy định của Trung ương; đã có 1.712/1.832 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, trong đó có 1.387 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt 75%, tương ứng với 100% TTHC đủ điều kiện; tổng số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt 70%; số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh đã hoàn thành tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia là 1.222 thủ tục, đạt 75%.
Điển hình như Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, với vị trí, vai trò là nơi tiếp nhận, giải quyết công việc giữa chính quyền với người dân, tổ chức và doanh nghiệp, trung tâm đã có nhiều cách làm riêng biệt, đặc thù để quản lý, sử dụng, đánh giá đội ngũ CBCC gồm nhiều thành phần, ngạch bậc, chuyên môn khác nhau hoạt động trong một cơ quan. Lãnh đạo Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cho biết: Trung tâm đã quán triệt đầy đủ các chủ trương, định hướng, yêu cầu của tỉnh đối với công tác cải cách hành chính và đối với đội ngũ CBCC làm công tác giải quyết TTHC, đặc biệt là yêu cầu thay đổi tư duy từ quản lý sang phục vụ trong giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp; mỗi CBCC phải thực sự mang tâm thế của người phục vụ nhân dân.
Trên cơ sở những chỉ đạo của tỉnh, chức năng, nhiệm vụ được giao, trung tâm đã ban hành các quy định nội bộ để làm “công cụ” quản lý, như: Nội quy, quy chế làm việc, quy chế đánh giá cán bộ, quy tắc ứng xử của cán bộ với đồng nghiệp và nhân dân. Những quy định này không chỉ quy định cụ thể các nguyên tắc phối hợp công tác, kết quả công việc, mà còn cả từng cử chỉ, lời nói, ứng xử của cán bộ với các đối tượng trong các tình huống cụ thể. Cùng với duy trì các quy tắc làm việc, trung tâm thường xuyên tổ chức các cuộc sinh hoạt chuyên đề với đội ngũ CBCC để trao đổi thông tin, thống nhất cách xử trí các tình huống phát sinh, gợi ý các sáng kiến mới... Từ đó đã tạo được môi trường làm việc minh bạch, sôi nổi, cảm xúc tích cực trong mỗi CBCC khi thực hiện nhiệm vụ.
Xác định công tác cải cách hành chính chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, Quảng Ninh liên tục đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện xuyên suốt, trong đó tập trung khắc phục những khó khăn, tồn tại và duy trì những giải pháp hiệu quả. Điển hình, ngày 3/8/2022, tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo triển khai các giải pháp nâng cao Chỉ số PAPI năm 2022, trong đó yêu cầu các đơn vị, địa phương bám sát chỉ thị, nghị quyết của tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thường xuyên rà soát, cập nhật, công khai minh bạch TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết và các chương trình, kế hoạch, công trình, dự án, thời gian giải quyết… theo quy định để nhân dân nắm bắt, cùng tham gia giám sát.
Đồng thời, rà soát, bố trí CBCCVC làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trung tâm hành chính công cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác… Các địa phương tăng cường hơn nữa hoạt động tiếp xúc đối thoại, giải quyết, giải trình; chỉ đạo tháo gỡ những vấn đề người dân còn vướng mắc, chưa hài lòng, có giải pháp khắc phục triệt để nâng cao điểm số các chỉ số thành phần PAPI còn thấp trong các trục nội dung, nhất là trục nội dung được lựa chọn lấy phiếu khảo sát PAPI.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân làm TTHC.
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh cũng ban hành kế hoạch tổ chức cuộc thi viết “Sáng kiến, giải pháp cải cách hành chính tỉnh Quảng Ninh năm 2022”. Qua đây nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của CBCCVC trong đề xuất mô hình, sáng kiến, giải pháp mới trong thực hiện cải cách hành chính có thể nhân rộng và áp dụng thực tiễn trong quản lý, giải quyết công việc, tạo đột phá, nhất là nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4… giúp đội ngũ CBCCVC có nhận thức đầy đủ về trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Đồng thời, góp phần tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, tổ chức trong triển khai cải cách hành chính và giám sát quá trình thực hiện của cơ quan hành chính nhà nước.
Với sự chủ động, quyết liệt, Quảng Ninh đã triển khai thực hiện nhiều cách làm mới trong xây dựng chính quyền hành động, phục vụ. Qua đó, người dân, doanh nghiệp đến giao dịch tại cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đã ngày càng hài lòng hơn. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tiếp nhận 59.864 hồ sơ TTHC (tăng 54,9% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó tiếp nhận mới 58.717 hồ sơ TTHC và có 1.147 hồ sơ kỳ trước chuyển sang; đã giải quyết 58.665 hồ sơ, trong đó 58.582 hồ sơ đúng hạn và trước hạn (đạt 99,9%). Các trung tâm hành chính công cấp huyện đã tiếp nhận 510.156 hồ sơ TTHC (giảm 24,4% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó tiếp nhận mới 481.272 hồ sơ TTHC và có 28.884 hồ sơ kỳ trước chuyển sang; đã giải quyết 481.540 hồ sơ, trong đó 487.563 hồ sơ đúng hạn và trước hạn (đạt 99,4%). Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã đã tiếp nhận 242.575 hồ sơ TTHC (giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó tiếp nhận mới 236.809 hồ sơ TTHC và có 5.766 hồ sơ kỳ trước chuyển sang; đã giải quyết 236.677 hồ sơ, trong đó 235.502 hồ sơ đúng hạn và trước hạn (đạt 99,5%).
Theo kết quả đánh giá, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của tỉnh đạt tỷ lệ tương đối cao (trung bình 94,07%), là năm thứ 3 liên tiếp Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng đánh giá đối với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó 5/5 tiêu chí có tỷ lệ đánh giá hài lòng trên 90%, gồm: Tỷ lệ hài lòng về kết quả giải quyết TTHC 94,9%; TTHC 94,78%; công chức tiếp nhận và giải quyết TTHC 94,75%; tiếp cận dịch vụ 94,64%; tiếp nhận, xử lý góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức 91,26%.
Mặc dù đã đạt được những kết quả rất tích cực, nhưng để duy trì ngọn lửa cải cách, xây dựng một nền hành chính hiện đại, tinh giảm, phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp, Quảng Ninh xác định vẫn còn rất nhiều việc phải làm và phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Trong đó, đặc biệt nêu cao quan điểm “Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”.
Nguồn Báo Quảng Ninh
Tin tức khác
- Nâng mức hỗ trợ người có công tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh nâng mức tặng quà cho người có công với cách mạng
- Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
- Lần đầu tiên mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng 35,7%
- Theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng.