Xây dựng bệnh viện không giấy tờ
Để tạo thuận lợi nhất cho người dân cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong ngành y, từ nhiều năm nay, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh luôn nỗ lực triển khai mô hình bệnh viện không giấy tờ.
Để thực hiện, các đơn vị đều chú trọng đào tạo, xây dựng, bổ sung đội ngũ làm công nghệ thông tin của ngành Y. Hiện toàn ngành có 80 cán bộ công nghệ thông tin, trong đó thực hiện nhiệm vụ chuyên trách công nghệ thông tin là 68 người và kiêm nhiệm là 12 người.
Toàn bộ kết quả xét nghiệm của bệnh nhân được nhân viên Khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) nhập trên hệ thống mạng để chuyển đến các khoa, phòng, khám, chữa bệnh.
Cùng với đó, các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các nền tảng số đầy đủ với hạ tầng như: Hệ thống máy chủ, máy trạm, hệ thống kết nối toàn bộ các thiết bị, giao diện, các đầu đọc mã vạch, thanh toán thuốc, viện phí online... Thực hiện triển khai kết nối liên thông hệ thống dữ liệu của Sở Y tế và đơn vị trực thuộc với các hệ thống dữ liệu dịch vụ công quốc gia, cơ sở dữ liệu chung của tỉnh…
Các cơ sở y tế tích cực nâng cấp phần mềm quản lý thông tin khám chữa bệnh (HIS/LIS/RIS-PACS/EMR), quản lý thông tin y tế xã phường để đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành và chuyển đổi số của ngành. Hiện nay, các dữ liệu thông tin khám sức khỏe lái xe, thông tin chứng sinh, thông tin chứng tử, thông tin khám chữa bệnh BHYT đều được Sở Y tế và các đơn vị y tế thực hiện liên thông theo đúng chỉ đạo.
Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 59.762 số hồ sơ lĩnh vực y tế đã được liên thông với cổng dịch vụ công quốc gia; trong đó Giấy báo tử đã liên thông là 111 hồ sơ, Giấy chứng sinh đã liên thông là 15.192 hồ sơ, Giấy khám sức khỏe lái xe đã liên thông là 45.126 hồ sơ.
Y tá Bệnh viện Bãi Cháy thực hiện y lệnh của bác sĩ bằng xe tiêm thông minh để tiêm, phát thuốc cho bệnh nhân.
Năm 2023, các đơn vị còn phối hợp với các đơn vị cung ứng Tập đoàn Viễn thông và Công nghệ thông tin (VNPT, Viettel, FPT) triển khai biên bản ghi nhớ giữa tỉnh và các nhà cung cấp dịch vụ. Hiện Sở Y tế đang phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội triển khai cơ sở dữ liệu quản lý hình ảnh tập trung của Tỉnh; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam nghiên cứu mô hình Trung tâm dữ liệu điều hành y tế.
100% các cơ sở y tế được cấp phép khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện sử dụng căn cước công dân (CCCD) có gắn chíp trong khám, chữa bệnh BHYT thay thế thẻ BHYT. Năm 2023, toàn tỉnh có 969.806 lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD, trong đó số lượt tra cứu thành công 743.620 lượt.
Đồng thời với đó, các cơ sở y tế triển khai đẩy mạnh việc áp dụng giải pháp thanh toán QRcode động trong thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ y tế tại 100% các đơn vị. Trong đó có 6/21 cơ sở khám chữa bệnh triển khai thành công QRcode động, gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Lão khoa, TTYT huyện Hải Hà, TTYT thị xã Đông Triều. Trung bình trong 2 năm (2022- 2023) triển khai, tổng số tiền thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn ngành y tế tỉnh đạt trên 70%.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả tham gia khám, chữa bệnh từ xa với các bác sĩ, chuyên gia y tế đầu ngành của tuyến Trung ương. Ảnh: Nguyễn Hoa
Sở Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn triển khai kết nối liên thông dữ liệu hệ thống đơn thuốc điện tử Quốc gia quy định của Bộ Y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc, quầy thuốc. Đến nay, trên địa bàn có gần 350 cơ sở được cấp mã liên thông trên hệ thống Kê đơn thuốc Quốc gia cơ sở khám chữa bệnh, hơn 2.200 người kê đơn đã được cấp mã để thực hiện kê đơn và có trên 4.000.000 đơn thuốc được liên thông với hệ thống đơn thuốc Quốc gia theo đúng tiêu chuẩn.
Để tiếp tục nâng cao trình độ kỹ thuật, tiếp cận với các kỹ thuật mới từ bệnh viện tuyến trên và hỗ trợ cho tuyến dưới, các đơn vị y tế tiếp tục phối hợp Trung tâm thông tin y tế triển khai nền tảng Hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa (Vtelehealth), nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử (VHR).
Qua đó, các đơn vị tiếp tục duy trì thực hiện kết nối với 11 bệnh viện Trung ương để thực hiện tư vấn, hỗ trợ chẩn đoán điều trị, hội chẩn từ xa cho người bệnh; đồng thời thực hiện tư vấn khám và điều trị từ xa giúp cho cơ sở y tế tuyến dưới.
Trong năm 2022 và 2023, tại các Bệnh viện, trung tâm y tế đã tư vấn khám, chữa bệnh từ xa cho 345 ca bệnh; hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa là 1.020 buổi với 887 ca bệnh; hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa là 217 buổi với 282 ca bệnh; hội chẩn tư vấn xét nghiệm từ xa 44 buổi; hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa 51 buổi cho 51 ca bệnh. Còn tại các trạm y tế, có 7.553 ca được tư vấn, hỗ trợ khám bệnh từ xa.
Với những nỗ lực của các đơn vị, ngành y tế Quảng Ninh đã đạt kết quả bước đầu trong thực hiện xây dựng Bệnh viện không giấy tờ. Hiện toàn tỉnh đã có 7 đơn vị đủ điều kiện thực hiện Bệnh án điện tử (Bệnh viện không giấy tờ) trên tổng số 61 Bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử trên toàn quốc gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy, TTYT huyện Hải Hà, TTYT huyện Tiên Yên, Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả, TTYT thành phố Móng Cái.
Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh QN
Tin tức khác
- BÀI TUYÊN TRUYỀN: Cuộc bầu cử Trưởng khu phố nhiệm kỳ 2025-2027 trên địa bàn phường Giếng Đáy
- Nâng mức hỗ trợ người có công tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh nâng mức tặng quà cho người có công với cách mạng
- Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
- Lần đầu tiên mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng 35,7%