Xác định rõ tầm quan trọng, điểm mới của cải cách thủ tục hành chính

(Chinhphu.vn) - Các địa phương, bộ ngành cần xác định rõ tầm quan trọng, nắm bắt những điểm mới của công tác cải cách thủ tục hành chính để giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh...

Ngày 11/10, Cục Kiểm soát Thủ tục Hành chính (Văn phòng Chính phủ) tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ về công tác cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các điểm cầu UBND tỉnh, các bộ ngành.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm tới vấn đề cải cách thực chất, hoàn thiện thể chế, các quy định pháp luật về cải cách thủ tục hành chính nhằm bảo đảm cho các thủ tục hành chính được ban hành có chất lượng, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm tính công khai, minh bạch và ứng dụng dữ liệu dân cư, ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Nghị định 42/2022/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; Nghị định 61/2018/NĐ-CP quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; Nghị định số 107/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính với những điểm đổi mới; Nghị định số 59/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về định danh và xác thực điện tử....

Nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia trong nước, quốc tế xây dựng Khung Bộ chỉ số phục vụ chỉ đạo điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện bảo đảm thống nhất, đồng bộ từ Trung ương tới địa phương.

Theo ông Ngô Hải Phan, mặc dù chúng ta đã có nhiều quy định pháp lý, các bộ ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai, nhưng khâu tổ chức thực hiện vẫn còn yếu. Do nhiều nội dung mới nên các bộ ngành, địa phương gặp không ít vướng mắc, bất cập, đặc biệt trong các vấn đề số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính.

Ngoài ra, vẫn còn sự lúng túng trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, cổng dịch vụ công quốc gia với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để cắt giảm những thông tin đã có trong các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và tái sử dụng dữ liệu, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp…

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã tái lập Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ do đồng chí Phó Thủ tướng làm tổ trưởng và 4 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng làm tổ phó, 9 đồng chí Thứ trưởng các bộ tham gia.

Tổ công tác sẽ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách.

Ông Ngô Hải Phan mong muốn qua Hội nghị tập huấn hôm nay, các địa phương, bộ ngành sẽ xác định rõ hơn tầm quan trọng, nắm bắt những điểm mới của công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, tiếp tục đón các làn sóng đầu tư mới, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới.

 

Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Nguyễn Duy Hoàng đã giới thiệu tổng quan về đổi mới trong thực hiện thủ tục hành chính. Theo đó, có thể kể đến một số  nội dung đổi mới như: Gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, tạo chủ động, sáng tạo, áp dụng mô hình mới, cách làm hay trong thực hiện thủ tục hành chính; tái cấu trúc quy trình, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính; tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng phục vụ; chỉ đạo, điều hành, giám sát, đánh giá dựa trên dữ liệu theo thời gian thực...

Đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cũng hướng dẫn số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; hướng dẫn rà soát, đánh giá, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để cung cấp dịch vụ công trực tuyến, chuẩn hóa mẫu đơn, tờ khai thiết lập biểu mẫu điện tử tương tác; chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh và Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Đồng thời giới thiệu Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ.

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 102