Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động
Thời gian qua, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, các cấp công đoàn của tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho công nhân, viên chức, người lao động (CNVCNLĐ), góp phần nâng cao nhận thức trong thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Công tác tuyên truyền, PBGDPL trong CNVCLĐ luôn được các cấp công đoàn tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm thực hiện tốt các chức năng của tổ chức công đoàn. Nghị quyết của BCH LĐLĐ tỉnh về công tác công đoàn hằng năm đều có chỉ tiêu, nội dung về công tác PBGDPL, các kế hoạch triển khai hằng năm giao trách nhiệm cụ thể cho các đồng chí trong Ban Thường vụ, lãnh đạo các ban chuyên đề tham mưu cho Thường trực LĐLĐ tỉnh về công tác PBGDPL theo từng lĩnh vực phụ trách; xây dựng chương trình công tác hằng năm cụ thể hóa số lượng các cuộc tuyên truyền, PBGDPL tại cơ sở.
Những năm qua, các cấp công đoàn đã triển khai nhiều mô hình, cách làm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL trong CNVCLĐ, như: Xây dựng trang thông tin điện tử; fanpage-congdoanquangninh; phối hợp tham mưu xây dựng Đề án “Phát triển quan hệ lao động tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025"; phối hợp thành lập Điểm tư vấn pháp luật và tiếp CNLĐ; triển khai các hoạt động PBGDPL hiệu quả thông qua các sân chơi “Sau giờ thứ 8", các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, cụm VHTT trong CNVCLĐ, phong trào "Liên kết, kết nghĩa" giữa LĐLĐ cấp huyện với công đoàn cơ sở doanh nghiệp trung ương trên địa bàn...
Năm 2023 các cấp công đoàn tỉnh tập trung tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện lịch sử, chính trị quan trọng, đặc biệt là tuyên truyền kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh, đại hội công đoàn các cấp nhiệm kỳ 2023-2028. Tổ chức trên 180 hội nghị tuyên truyền phổ biến, tư vấn pháp luật lưu động cho trên 20.500 lượt cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ trong toàn tỉnh. Trong đó, tập trung tuyên truyền, triển khai Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở (có hiệu lực từ 1/7); những điểm mới của Luật cán bộ công chức, Luật Viên chức, Bộ Luật Lao động năm 2019, Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ cùng với các Nghị quyết, quy định mới của Trung ương, của tỉnh và Tổng LĐLĐ Việt Nam về chế độ, chính sách đối với người lao động. LĐLĐ các cấp đã tổ chức 8 kỳ sân chơi "Sau giờ thứ 8”; phối hợp với Công đoàn TKV tổ chức thành công 3 chương trình “Kết nối trái tim”.
Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng được duy trì, đẩy mạnh với hàng trăm tin, bài. LĐLĐ tỉnh đổi mới giao diện trang thông tin điện tử, fanpage tiếp tục được duy trì hiệu quả, qua đó kịp thời nắm tình hình, định hướng dư luận trong CNVCLĐ. LĐLĐ tỉnh đã tổ chức cho 200 cán bộ công đoàn và CNLĐ tham gia chương trình "Giờ thứ 9+" do Tổng LĐLĐ phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Các cấp công đoàn phối hợp với các ngành, tổ chức tập huấn an toàn vệ sinh lao động, tuyên truyền pháp luật lao động cho người lao động trên địa bàn. Trong năm 2023 LĐLĐ tỉnh đề xuất, phối hợp Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc giữa ĐBQH với cử tri là CNVCLĐ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của CNLĐ. Qua đó tạo diễn đàn quan trọng để lãnh đạo tỉnh và đội ngũ CNVCLĐ trao đổi về những kiến nghị, đề xuất; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CNVCLĐ để có những quyết sách, điều chỉnh phù hợp.
Ngày 17/11/2023 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động đáp ứng yêu cầu thực thi các cam kết quốc tế về lao động giai đoạn 2023-2030". Để Đề án sớm triển khai, tháng 12/2023 tỉnh ban hành kế hoạch, trong đó xây dựng các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, xây dựng các giải pháp và phân công nhiệm vụ thực hiện cụ thể.
Trên cơ sở kế hoạch đã xây dựng, công đoàn các cấp tích cực phối hợp cùng các sở, ngành chức năng tập trung triển khai; tiếp tục linh hoạt, đổi mới cách thức tuyên truyền PBGDPL, tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, mạng xã hội, đảm bảo phù hợp với nhu cầu từng nhóm đối tượng; phát huy vai trò, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xã hội, khả năng, ưu thế của các loại hình thông tin để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án. Qua đó tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền PBGDPL, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong chấp hành pháp luật về lao động.
Nguồn báo Quảng Ninh
Tin tức khác
- Nâng mức hỗ trợ người có công tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh nâng mức tặng quà cho người có công với cách mạng
- Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
- Lần đầu tiên mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng 35,7%
- Theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng.