Truyền thông chính sách: Nhân rộng năng lượng tích cực
(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Chính phủ mới đây ban hành chỉ thị xác định truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp; cần bố trí biên chế và kinh phí thường xuyên cho công tác này
Để dân biết, dân làm, dân hưởng thụ
Thời gian qua, hệ thống báo chí, truyền thông bao gồm cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, các báo, đài, các trang thông tin điện tử tổng hợp hệ thống thông tin ở cơ sở, các phương thức truyền thông mới qua mạng xã hội, tin nhắn qua hệ thống viễn thông...) đã tích cực tham gia công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ để "dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ".
Đồng thời, các cổng thông tin điện tử của cơ quan hành chính nhà nước hoạt động ngày một tốt hơn, nhất là Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã và đang thể hiện rõ vai trò là nơi cung cấp thông tin nguồn và định hướng tuyên truyền rất hiệu quả về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tới các tầng lớp nhân dân và cho báo chí, truyền thông.
Tuy nhiên, các kết quả bước đầu của việc đổi mới công tác truyền thông chính sách chủ yếu vẫn tập trung ở các cơ quan đầu não ở Trung ương. Thậm chí, một số cơ quan, đơn vị còn chưa biết cách làm công tác này. Năng lực giải thích, diễn giải cụ thể chính sách, quy định của một số cơ quan nhà nước để người dân hiểu và chủ động tuân thủ còn hạn chế. Việc chủ động tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí ở một số cơ quan hành chính địa phương vẫn được coi là việc "khó", tâm lý cán bộ ngại tiếp xúc với báo chí khá phổ biến ở nhiều bộ ngành, địa phương, dẫn đến việc báo chí gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn thông tin chính thống để truyền thông chính sách.
Không ít đơn vị chưa hình thành được đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp, chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí được nguồn lực phù hợp; thiếu cả nhân lực, điều kiện làm việc, trang thiết bị, kinh phí tài chính... Có nơi, công chức, viên chức làm truyền thông kiêm nhiệm cả các công việc khác, không có kiến thức chuyên ngành về quan hệ công chúng và xử lý khủng hoảng truyền thông.
Lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực
Chính vì vậy, Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ khẳng định truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Chỉ thị yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động, đổi mới phương thức truyền thông, hình thức cung cấp thông tin cho báo chí và người dân; bảo đảm tính công khai, minh bạch; quan tâm bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách.
Song song với việc thường xuyên xây dựng kế hoạch truyền thông, các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị truyền thông; đặt hàng cơ quan truyền thông, báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách.
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn về vị trí việc làm, định mức biên chế của công chức, viên chức làm công tác truyền thông; Bộ Tài chính bố trí kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện công tác truyền thông chính sách theo đúng qui định của pháp luật.
Người dân kỳ vọng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ từ Hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách: Nhận thức-Hành động-Nguồn lực cuối năm 2022, đến Chỉ thị nêu trên sẽ tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác truyền thông chính sách; góp phần quan trọng đưa chính sách vào cuộc sống và đưa cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách.
Đồng thời, truyền thông chính sách tốt sẽ nâng cao năng lượng tích cực, hiệu lực, hiệu quả của chính sách; thống nhất nhận thức, ý chí và hành động trong công tác trong đấu tranh, phản bác kịp thời quan điểm sai trái, thông tin xấu độc; "lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực", ổn định tâm lý người dân, tăng cường niềm tin vào Đảng và Nhà nước trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng./.
Tin tức khác
- Nâng mức hỗ trợ người có công tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh nâng mức tặng quà cho người có công với cách mạng
- Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
- Lần đầu tiên mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng 35,7%
- Theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng.