Tiện ích từ chuyển đổi số
Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Trên quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số. Giờ đây, người dân Quảng Ninh đang từng bước trở thành những “công dân số” trong thời đại 4.0, đi chợ online, đi khám bệnh chỉ cần thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng…
Khám chuyên khoa nội tiết nhiều lần tại Bệnh viện Bãi Cháy, đến nay ông Nguyễn Đăng Thanh (TP Hạ Long) đã có thói quen đặt lịch trước và chủ động vào phòng khám theo lịch hẹn. “Tôi đặt lịch khám qua tổng đài, nhân viên tư vấn gửi tin nhắn vào điện thoại, gồm nội dung khám chuyên khoa gì, phòng nào, hồi mấy giờ, rất nhanh gọn cho người dân đến khám bệnh, tiết kiệm thời gian lắm” - ông Thanh chia sẻ.
Tiện ích đặt lịch khám mà ông Nguyễn Đăng Thanh sử dụng được Bệnh viện Bãi Cháy xây dựng đồng bộ từ đặt lịch khám đến trả kết quả trực tuyến. Theo đó, người bệnh có thể đăng ký khám qua website, qua kênh zalo, hoặc đăng ký qua số điện thoại. Tình trạng ùn tắc vào các giờ cao điểm của bệnh viện đã giảm hẳn so với trước, quy trình thăm khám cho bệnh nhân được rút ngắn, thời gian tiếp xúc thăm khám, chữa bệnh cho bệnh nhân được tăng lên. Điều này không chỉ có lợi cho bệnh nhân, mà còn giảm tải áp lực cho nhân viên y tế.
Từ tháng 3/2022, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế bắt đầu triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp. Việc sử dụng CCCD thay thế, tích hợp với thẻ BHYT không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, mà còn tránh được tình trạng người bệnh lạm dụng thông tuyến, làm rơi, hỏng thẻ BHYT. “Việc đến khám chỉ cần CCCD gắn chíp, không cần thẻ BHYT đã mang đến nhiều tiện lợi cho người bệnh, đăng ký khám bệnh rất dễ dàng, nhanh chóng” - ông Trịnh Thanh Bình (TX Quảng Yên) cho biết.
Thanh toán không dùng tiền mặt cũng được xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trên hành trình chuyển đổi số toàn diện của Quảng Ninh. Hiện nay, tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt đang được triển khai tại hầu hết hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và cả một số chợ truyền thống, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ của người dân trên địa bàn tỉnh. "Chỉ cần quét mã QR tại cửa hàng, chưa đầy 1 phút, tôi đã thanh toán xong toàn bộ số tiền mua thực phẩm, rất nhanh chóng và tiện lợi" - một nữ khách hàng đi sắm Tết ở chợ Hạ Long I, chia sẻ.
Với khách du lịch, tiện ích của chuyển đổi số mang lại thể hiện ngày một đa dạng. Hiện nay, nhu cầu đặt tour du lịch online, phương thức tiếp cận khách hàng, quảng bá, giao dịch, thanh toán dịch vụ đang chuyển dần sang môi trường số, xu hướng du lịch “không chạm” của du khách đã trở thành sự ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, không ít đơn vị kinh doanh dịch vụ trên địa bàn TP Hạ Long đã tiên phong, đi đầu trong chuyển đổi số, nổi bật trong đó là SOJO Hotel Hạ Long.
Theo ông Lê Tuấn Kiệt, Giám đốc SOJO Hotel Hạ Long, thông qua việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, du khách có những trải nghiệm du lịch mới lạ với các thiết bị và công nghệ tự động hóa; đặt dịch vụ, phòng nghỉ trực tiếp với nhà cung cấp thông qua dịch vụ trực tuyến... Mọi thủ tục nhận, trả phòng đều do du khách tự thực hiện và hoàn tất...
Những tiện ích của chuyển đổi số với người dân còn thể hiện rõ trong ngành nông nghiệp. Tại TX Đông Triều, người nông dân đã từng bước ứng dụng Internet và các thiết bị công nghệ để tự động hóa nhiều công đoạn chăm sóc cây trồng, vật nuôi, giảm thiểu những bất lợi khách quan tác động đến sản xuất. Nhiều hộ dân chủ động đề xuất và phối hợp hiệu quả với đơn vị chức năng trong việc cấp mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã vạch cho sản phẩm nông nghiệp để mở ra cơ hội đưa nông sản địa phương vào các kênh thương mại uy tín trong nước, lên các sàn giao dịch điện tử, hoặc cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài...
Theo Sở TT&TT, hiện nay tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng thiết bị di động thông minh tại Quảng Ninh đạt 88%; tỷ lệ vùng phủ sóng thông tin di động đạt 98% các khu vực dân cư. Theo đó, người dân Quảng Ninh có thể dễ dàng khai thác tiện ích của công cuộc chuyển đổi số, phổ biến nhất vẫn là thanh toán không dùng tiền mặt, đi chợ online, tra cứu hay nộp hồ sơ điện tử...
Nguồn Báo Quảng Ninh
Tin tức khác
- Nâng mức hỗ trợ người có công tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh nâng mức tặng quà cho người có công với cách mạng
- Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
- Lần đầu tiên mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng 35,7%
- Theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng.