Thêm ý nghĩa cho Tết trồng cây
Sáng 11/1/1960, Bác Hồ cùng đồng bào Thủ đô đã trồng cây ở Công viên Hồ Bảy Mẫu. Người đã tự tay cầm xẻng, xúc đất vun trồng một cây đa. Từ đó, Tết trồng cây trở thành mỹ tục của dân tộc mỗi độ Tết đến Xuân về. Với Quảng Ninh, những năm gần đây, Tết trồng cây ngày càng thêm ý nghĩa khi tỉnh gắn phong trào trồng cây, gây rừng với phát triển lâm nghiệp bền vững, với việc trồng rừng cây gỗ lớn. Đặc biệt, Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã huy động cả hệ thống chính trị thực hiện sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng.
Rừng Quảng Ninh có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong việc phòng hộ bảo vệ đầu nguồn, vùng ven biển, vành đai biên giới, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, tạo nguồn sinh thủy đảm bảo chiến lược an ninh nguồn nước. Đồng thời, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế theo hướng cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững ngành du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Rừng là tài nguyên du lịch vô giá, rừng gắn liền với khu vực phân bố tài nguyên khoáng sản; tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Trên cơ sở vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của ngành lâm nghiệp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là một trong số ít nghị quyết chuyên đề về lâm nghiệp trên cả nước thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị thực hiện sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 19, Quảng Ninh hoàn thành và giữ vững mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành lâm nghiệp trong 3 năm đạt 11,29%, vượt mục tiêu đề ra. Bảo vệ và phục hồi hiệu quả tối đa gần 122.000ha diện tích rừng tự nhiên; duy trì, củng cố 24.904ha rừng đặc dụng tập trung tại 6 khu rừng hiện có. Toàn tỉnh cũng đã trồng được 38.451ha rừng tập trung, tăng 8,9% so với giai đoạn 2017-2019. Riêng trong năm 2022 toàn tỉnh đã trồng 2.288ha các loài cây lim, giổi, lát, bằng 114,4% so với mục tiêu Nghị quyết.
Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 19, năm 2023, Quảng Ninh xác định sẽ khẩn trương hoàn thành rà soát diện tích 3 loại rừng, hoàn thành quy hoạch trồng rừng gỗ lớn; phấn đấu năm 2023 trồng mới ít nhất 2.000 ha lim, giổi, lát ở nơi có đủ điều kiện, gắn với phòng, chống tiêu cực trong triển khai chính sách. Nâng cao chất lượng rừng đặc dụng và rừng phòng hộ ven biển, tích cực chuyển đổi từ rừng sản xuất sang rừng cảnh quan, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Cụ thể hóa những giải pháp này, ngày 9/1, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-UBND về tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Mão; trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa gắn với triển khai trồng 2.000 ha lim, giổi, lát năm 2023 và hưởng ứng Đề án trồng một tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Quảng Ninh sẽ nâng cao chất lượng rừng thông qua thay thế các loài cây mọc nhanh (keo, bạch đàn...) có luân kỳ kinh doanh ngắn, hiệu quả thấp bằng trồng và hình thành lâm phần rừng bằng các loài cây gỗ lớn, bản địa có giá trị cao về kinh tế, xã hội, môi trường nhằm nâng cao chất lượng rừng và duy trì ổn định, giữ vững tỷ lệ che phủ rừng ở mức 55%. Cụ thể, tỉnh sẽ phát động trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa có giá trị kinh tế cao, trọng tâm trồng 2.000 ha lim, giổi, lát. Các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện toàn đợt Tết trồng cây trong quý năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu trồng tối thiểu 1 triệu cây (cao gấp 2,5 lần so với kết quả thực hiện năm 2020 và vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020) gồm: 940.000 cây lim, giổi, lát; 60.000 cây gỗ lớn, cây bản địa...
Cùng với việc tổ chức đồng loạt Lễ phát động Tết trồng cây cấp tỉnh và tại địa phương vào ngày 27/01/2023 (06/01 Âm lịch), tỉnh cũng yêu cầu các cấp, các ngành liên quan thực hiện tốt công tác quản lý, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc để cây trồng sau khi trồng được sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống cao; việc trồng cây cần đúng kỹ thuật, bón phân, sau khi trồng có kế hoạch chăm sóc và bảo vệ để đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt, định kỳ có báo cáo, thông tin về tình hình sinh trưởng của cây.
Với việc gắn trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa gắn với triển khai trồng 2.000 ha lim, giổi, lát năm 2023 và hưởng ứng Đề án trồng một tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, phát động Tết trồng cây, Quảng Ninh đã làm giàu thêm ý nghĩa của Tết trồng cây - nét đẹp truyền thống bao năm qua của Việt Nam. Thông qua đó, sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, trồng cây, bảo vệ rừng gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu; ổn định nguồn sinh thủy lưu vực hồ đập đảm bảo an ninh nguồn nước, phục hồi bãi thải mỏ để đảm bảo chất lượng đời sống nhân dân.
Nguồn Báo Quảng Ninh
Tin tức khác
- Nâng mức hỗ trợ người có công tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh nâng mức tặng quà cho người có công với cách mạng
- Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
- Lần đầu tiên mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng 35,7%
- Theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng.