Tăng cường quản lý khai thác tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường
Công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên được tỉnh quan tâm, đầu tư mạnh mẽ trong những năm qua. Cùng với đó, tỉnh cũng gắn chặt công tác này với bảo vệ môi trường.
Từ tháng 1/2014, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 12-NQ/TU “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh than trên địa bàn tỉnh” và nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng về tăng cường quản lý tài nguyên than và các khoáng sản gắn với công tác kiểm tra, giám sát và đấu tranh xử lý các vi phạm liên quan đến quản lý tài nguyên, khoáng sản, trọng tâm là than, cát, đá, sét.
Các địa phương phân công trách nhiệm từ người đứng đầu địa phương đến phòng, ban, đơn vị theo dõi địa bàn, lĩnh vực liên quan; thường xuyên lập các tổ công tác kiểm tra địa bàn. Cơ chế trách nhiệm được xác định rõ. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn tỉnh cơ bản chấm dứt tình trạng khai thác, vận chuyển và chế biến kinh doanh than trái phép. Hoạt động khai thác đá, sét, cát, nạo vét luồng lạch thu hồi khoáng sản đi vào nền nếp, được kiểm soát chặt chẽ; thực hiện lộ trình dừng hoạt động các mỏ khai thác cát, đá, sét theo quy hoạch.
Từ đầu năm 2019, tỉnh đã dừng hoạt động Nhà máy sàng tuyển than Nam cầu Trắng và cơ bản hoàn thành di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh, 98/98 lò vôi thủ công gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch. Các khu công nghiệp tập trung đều có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn. Toàn tỉnh cũng đã lắp đặt, vận hành thường xuyên, liên tục 138 điểm quan trắc tự động môi trường nước, không khí trên địa bàn.
Quảng Ninh còn quy hoạch, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước, bảo đảm an ninh nguồn nước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Trên địa bàn tỉnh hiện có 180 hồ chứa nước, 442 đập dâng lớn, vừa và nhỏ; 3.243km kênh mương các loại cùng với hệ thống sông suối, ao hồ nhỏ để cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất, cung cấp nước tưới cho 38.854,8ha đất canh tác. Đồng thời, toàn tỉnh hiện có 189 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung, đưa tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt hơn 99%.
Đặc biệt, Quảng Ninh đã thực hiện đóng cửa rừng khai thác gỗ rừng tự nhiên từ năm 2004, đến nay diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ nguyên trạng với 122.281,1ha, trong đó diện tích tập trung gồm 70.927,2ha được quản lý bảo vệ tại các Ban Quản lý Rừng phòng hộ, đặc dụng, Khu bảo tồn thiên nhiên, Quốc phòng và các Công ty lâm nghiệp; 51.353,9ha rừng còn lại thuộc một số các doanh nghiệp, UBND xã và cộng đồng dân cư quản lý theo quy định của pháp luật. 8 tháng năm 2022, toàn tỉnh trồng được 11.600ha rừng tập trung.
Giai đoạn 2015-2020, tỉnh đã đầu tư trồng trên 1.600ha rừng ngập mặn thông qua một số dự án, như: Dự án Bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng ven biển tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2020; Dự án Gây bồi, tạo bãi và trồng cây ngập mặn bảo vệ đê thôn 1, xã Hải Đông, TP Móng Cái; Dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (vốn vay WB) thực hiện trên địa bàn 38 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ tài nguyên biển, Quảng Ninh cũng đã quy hoạch chi tiết các khu bảo tồn biển, như: Khu bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần thuộc huyện đảo Cô Tô được quy hoạch là khu bảo tồn loài, sinh cảnh cấp tỉnh theo Quyết định số 1614/QD-UBND ngày 19/5/2020 của UBND tỉnh; Khu bảo tồn vườn quốc gia Bái Tử Long có diện tích 15.283ha; xây dựng 2 mô hình đồng quản lý nguồn lợi sá sùng tại các xã Minh Châu và Quan Lạn (huyện Vân Đồn) và bãi sá sùng tại xã Đại Bình (huyện Đầm Hà)... Đồng thời, hoạt động chống khai thác, đánh bắt hải sản trái phép; chống sử dụng dụng cụ đánh bắt tận diệt cũng được tỉnh tăng cường. 8 tháng năm 2022, các sở, ban, ngành chức năng và các địa phương đã phát hiện, xử lý 447 trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thu nộp ngân sách nhà nước gần 3,547 tỷ đồng.
Công tác đầu tư, cải tạo, nâng cấp các công trình dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, hải văn trên địa bàn tỉnh đã ngày được quan tâm, hiện tỉnh đã được đầu tư 40 trạm, điểm quan trắc khí tượng thủy văn, đang triển khai xây dựng trạm khí tượng hải văn Cửa Đối để phục vụ cho cảnh báo vùng Vân Đồn - Cô Tô...
Việc tăng cường quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ giúp Quảng Ninh phát triển ngày càng bền vững, xanh - sạch - đẹp.
Nguồn Báo Quảng Ninh
Tin tức khác
- Nâng mức hỗ trợ người có công tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh nâng mức tặng quà cho người có công với cách mạng
- Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
- Lần đầu tiên mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng 35,7%
- Theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng.