Tăng cường quản lý đất đai, quy hoạch
Thời gian qua, các cơ quan chức năng, các địa phương trong tỉnh đã nghiêm túc thực hiện công tác quản lý đất đai, quy hoạch, nhất là các quy hoạch liên quan đến sử dụng đất. Qua đó, các hoạt động mua bán, trao đổi, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp đã được ngăn chặn có hiệu quả...
Các cơ quan chức năng và các địa phương trong tỉnh đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai; ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các dự án có sử dụng đất chậm tiến độ, vi phạm quy định pháp luật về đất đai, sử dụng đất sai mục đích, không hiệu quả, những dự án thi công khi chưa đảm bảo đầy đủ các trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định. Đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp buông lỏng quản lý, để xảy ra sai phạm trong quản lý đất đai... Cùng với đó, các cơ quan chức năng, địa phương trong tỉnh thường xuyên quán triệt, quản lý chặt chẽ việc mua, bán, trao đổi, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp...
Đến nay, quy hoạch chung xây dựng đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Bình Liêu đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP Uông Bí. Tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung tại các địa phương: Hạ Long, Quảng Yên, Đông Triều; đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng huyện các địa phương: Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ; điều chỉnh Quy hoạch chung các thị trấn Tiên Yên và các quy hoạch chung thị trấn đang triển khai; các quy hoạch phân khu chức năng thuộc các KKT cửa khẩu: Móng Cái, Vân Đồn. Hiện Đề án cấp nước sạch nông thôn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 cũng đang được tỉnh xây dựng.
Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), quản lý đất đai, tài nguyên môi trường được tỉnh chỉ đạo siết chặt. Đối với GPMB các dự án, công trình trọng điểm, trong năm 2022 đã tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB nhiều dự án trọng điểm của tỉnh và địa phương, như: Đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1); đường trục chính trung tâm Khu đô thị Cái Rồng (giai đoạn 2); dự án khu đô thị Hạ Long Xanh (TP Hạ Long, TX Quảng Yên); dự án CCN Phương Nam Uông Bí; dự án đường sắt Phả Lại - Hạ Long; tuyến đường Trần Hưng Đạo kéo dài đấu nối tuyến đường tránh phía Nam và Khu tái định cư hai bên tuyến đường Trần Hưng Đạo kéo dài...
Từ nguồn lực năm 2022 của tỉnh đã tập trung cho đầu tư đảm bảo cho các nhiệm vụ chi, nhất là nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của tỉnh và các dự án, công trình động lực của tỉnh thực hiện trong năm. Đến nay, đã hoàn thành đưa vào sử dụng đường cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên - Móng Cái, cầu Cửa Lục 1, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả (giai đoạn 1). Tỉnh cũng đã khởi công mới một số dự án quan trọng, như: Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 đoạn thuộc địa phận huyện Ba Chẽ; đầu tư xây dựng, cải tạo, mở rộng Trường Cao đẳng Việt - Hàn; đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Phổi Quảng Ninh. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương đầu tư các trường học chất lượng cao trong năm 2022, như: Xây dựng, nâng cấp Trường THPT Trần Phú (phường Ka Long, TP Móng Cái); đầu tư dự án xây mới Trường THCS&THPT Quảng La (xã Quảng La, TP Hạ Long); đầu tư xây dựng Trường THPT Ngô Quyền (phường Hà Khánh, TP Hạ Long)...
Đặc biệt, tỉnh đã hoàn thành, phê duyệt Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành Than, KCN; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh tại Quyết định số 2279/QĐ-UBND (ngày 8/8/2022) của UBND tỉnh. Đến nay, đã khởi công Dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân và chuyên gia KCN Đông Mai tại phường Đông Mai, TX Quảng Yên; Dự án Khu nhà ở xã hội (khu dân cư đồi Ngân hàng, phường Hồng Hải và Cao Thắng, TP Hạ Long)... Tỉnh cũng dự kiến, trong quý I/2023, khởi công xây dựng các dự án: Làng Văn hoá công nhân Vùng mỏ (phường Mông Dương, TP Cẩm Phả); nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động tại KCN cảng biển Hải Hà; nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà).
Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản, tỉnh cũng hoàn thành Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) tỉnh Quảng Ninh; điều chỉnh Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Quảng Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Bình Liêu để kịp thời thực hiện các công trình dự án của địa phương trong năm 2022, phục vụ cho mục tiêu phát triển KT-XH. Đồng thời, triển khai cho thuê đất đối với 29 tổ chức, diện tích là 262,09ha; giao đất cho 36 tổ chức với diện tích là 857,44ha; gia hạn thời gian sử dụng đất cho 30 tổ chức với diện tích là 449,77ha; thu hồi đất của 13 tổ chức với diện tích là 959,28ha. Tỉnh cũng đã triển khai lập thiết kế chi tiết dự án xây dựng hệ thống thông tin đất đai tại 13 huyện, thị xã, thành phố; hoàn thiện quy định điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách thành dự án độc lập trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 16-NQ/TU (ngày 9/5/2019) của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản.
Nguồn Cổng thông tin điện tử Quảng Ninh
Tin tức khác
- Nâng mức hỗ trợ người có công tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh nâng mức tặng quà cho người có công với cách mạng
- Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
- Lần đầu tiên mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng 35,7%
- Theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng.