Tăng cường liên kết vùng, tạo động lực cho sự phát triển
Phát triển vùng, liên kết vùng đã được đề cập nhiều trong Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng. Đặc biệt tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh xây dựng quy hoạch và tổ chức không gian phát triển của quốc gia, của các vùng một cách hợp lý để phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, mỗi địa phương, tạo điều kiện tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới. Từ quan điểm này và dựa trên thực tế địa phương, thời gian qua Quảng Ninh đã tăng cường thúc đẩy, khai thác hiệu quả hợp tác liên kết vùng, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các vùng lân cận.
Sớm nhận diện vai trò của liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Quảng Ninh đã tích cực hợp tác, liên kết với nhiều tỉnh, thành trong nước thông qua các chương trình đánh giá công tác phối hợp chung trên nhiều lĩnh vực. Tỉnh thường xuyên phối hợp nghiên cứu, xây dựng, triển khai và phát triển mối quan hệ hợp tác dựa trên thế mạnh và tiềm năng riêng của từng địa phương, hướng đến mục tiêu phát triển dài hạn chung.
Trong đó phải kể đến những hợp tác mang tính chiến lược với TP Hải Phòng, như: Triển khai thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; thống nhất kiến nghị về những vấn đề tương đồng giữa 2 địa phương, đặc biệt là trong kết nối hạ tầng giao thông tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long, thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Cùng với đó, Quảng Ninh đã tích cực hỗ trợ, phối hợp với TP Hải Phòng trong việc xử lý TTHC cho các doanh nghiệp để khai thác nhanh chóng và hiệu quả cảng biển Quảng Ninh và cảng biển Hải Phòng; ban hành quy chế phối hợp liên quan đến giải quyết thủ tục hải quan, kiểm định, kiểm hóa hàng nhập khẩu, xuất khẩu thông qua cảng, góp phần kết nối khu vực tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Tương tự, với Thủ đô Hà Nội, Quảng Ninh cũng xác định rõ vị trí, vai trò và mối quan hệ phát triển mật thiết không chỉ giữa 2 địa phương mà còn ở phạm vi cả vùng và cả nước. Theo đó 2 địa phương đã sớm hợp tác chặt chẽ trên các lĩnh vực, góp phần cùng giải quyết các vấn đề chung và sự phát triển của vùng và cả nước. Đặc biệt, thời gian gần đây, 2 địa phương đã tăng cường các hoạt động phối hợp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. TP Hà Nội đã tổ chức các đoàn công tác đi nghiên cứu thực tế và trao đổi kinh nghiệm tại Tỉnh ủy Quảng Ninh và các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh Quảng Ninh về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Các ban Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cấp ủy, chính quyền cấp quận, huyện của 2 địa phương có các hoạt động giao lưu chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng và tổ chức bộ máy. Cùng với đó là những hợp tác về phát triển trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội mang tính lâu dài, bền vững, như: Du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp...
Tin tức khác
- Nâng mức hỗ trợ người có công tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh nâng mức tặng quà cho người có công với cách mạng
- Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
- Lần đầu tiên mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng 35,7%
- Theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng.