Số hóa trong quản lý tàu cá và khai thác hải sản
Theo kết quả rà soát, đánh giá cuối năm 2022 của Bộ NN&PTNT, công tác quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên toàn quốc nói chung và Quảng Ninh nói riêng vẫn chưa đáp ứng được quy định của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác IUU (chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định). Để làm tốt công tác quản lý, hỗ trợ ngư dân trong quản lý tàu cá và quyết tâm gỡ “thẻ vàng” của EC, tháng 1/2023, Sở NN&PTNT đã triển khai chạy thử nghiệm phần mềm quản lý tàu cá cho các tàu chạy ngoài khơi.
Hiện Quảng Ninh có trên 6.000 tàu cá, trong đó, tàu có chiều dài lớn nhất dưới 6m do UBND cấp xã quản lý là 1.481 tàu (chiếm 25%); tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m đến dưới 12m thuộc thẩm quyền quản lý của UBND các địa phương là 3.735 tàu (chiếm 62%); tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m trở lên là 796 tàu (chiếm 13%). Sở NN&PTNT đã hướng dẫn các địa phương và triển khai cập nhật thông tin của 4.531 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m lên phần mềm cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia Vnfisthbase (đạt 100%).
Đối với triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, 219 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị theo quy định (đạt 100%). Công tác kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng cũng được triển khai nghiêm túc. Từ đầu năm 2021 đến nay, Sở NN&PTNT đã bố trí lực lượng liên ngành, cử cán bộ trực 24/24h để thực hiện kiểm tra, kiểm soát tàu cá, cấp phát mẫu, thu hồi nhật ký khai thác thủy sản, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng Cái Rồng và yêu cầu các tàu cá vùng khơi phải cập cảng được Bộ NN&PTNT công bố, chỉ định.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực so với những giai đoạn trước đây và Quảng Ninh đã có những bước đi đúng hướng trong việc ngăn chặn IUU. Tuy nhiên, việc quản lý tàu cá, khai thác thủy sản vẫn còn một số hạn chế nhất định như: Số lượng tàu cá neo đậu, phân tán ở nhiều nơi, gây khó khăn cho công tác kiểm soát tàu cá và sản lượng khai thác; cơ sở dữ liệu Vnfishbase phục vụ chủ yếu cho việc tra cứu dữ liệu quản lý ở trung ương, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu quản lý và chỉ đạo sản xuất tại cảng cá, các điểm kiểm soát tàu cá; nhật ký khai thác, thu mua, chuyển tải thủy sản còn thực hiện thủ công; thiết bị giám sát hành trình tàu cá được cung cấp bởi nhiều đơn vị nên thiếu tính đồng bộ, còn xảy ra hiện tượng mất kết nối thiết bị.
Mặt khác, tín hiệu vệ tinh chỉ đáp ứng cập nhật từ 2-3 giờ/lần; hệ thống cảnh báo ranh giới vùng biển Việt Nam, vùng cấm khai thác không kịp thời (do tín hiệu trễ 2-3 giờ) ảnh hưởng đến khả năng truy xuất hải trình, toạ độ, vị trí khai thác dẫn đến không ghi lại toạ độ vị trí đánh bắt tức thời và không hướng dẫn kịp thời cho ngư dân khai thác trên biển; việc quản lý tàu cá khai thác tại các vùng ven bờ, vùng lộng, vùng khơi, vùng cấm khai thác còn nhiều khó khăn do không giám sát được toàn bộ tàu cá; còn tình trạng tàu cá từ 15m trở lên mất kết nối thiết bị giám sát hành trình khi đi hoạt động trên biển.
Những tồn tại nêu trên dẫn đến các cơ quan chức năng chưa kiểm soát được sản lượng qua cảng và đặc biệt là chưa thể ngăn chặn hết các hành vi khai thác IUU. Điều này khiến cho việc truy xuất nguồn gốc hải sản từ khai thác gặp nhiều khó khăn và chưa thực hiện được đầy đủ.
Xác định chuyển đối số trong lĩnh vực thủy sản sẽ làm thay đổi phương thức sản xuất và thương mại để đạt mục tiêu trở thành nghề cá hiện đại và cũng là giải pháp căn bản để hệ thống hóa dữ liệu quản lý. Đồng thời cụ thể hóa các Kế hoạch, Nghị quyết của tỉnh trong số hóa công tác quản lý tàu cá. Tháng 1 vừa qua, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Viện Kinh tế Quy hoạch Thủy sản và VNPT Quảng Ninh tiến hành giới thiệu, hướng dẫn, cài đặt và chạy thử cho 10 tàu cá hoạt động vùng khơi thực hiện các thao tác liên quan đến 35 trường hợp dữ liệu liên quan. Bao gồm: Quản lý hoạt động khai thác; quản lý đội tàu; quản lý sản lượng khai thác; hành trình; trình tự thủ tục xuất cảng, nhập cảng; kết nối đồng bộ với thiết bị máy tính tại văn phòng đại diện kiểm tra, kiểm soát tại cảng đến chủ tàu qua máy điện thoại của ngư dân.
Trong đó đã chạy thử nghiệm trực tiếp các bước khai báo xuất bến, khai báo cập bến, theo dõi hành trình và cập nhật sản lượng khai thác đối với tàu cá mang biển kiểm soát QN-90095-TS của chủ tàu Bùi Phương Tuyển. Qua việc chạy thử nghiệm phần mềm quản lý tàu cá và khai thác thủy sản, các chủ tàu và đại diện các ngành liên quan đã đánh giá trực tiếp tính ứng dụng, những ưu điểm và hạn chế của phần mềm để có phương án điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, khẳng định: Việc đưa vào ứng dụng phần mềm quản lý tàu cá và khai thác thủy sản nhằm mục tiêu giám sát, quản lý số hóa 100% các thông tin hoạt động của tàu cá từ khi xuất cảng cá đi khai thác, cập cảng bốc dỡ sản phẩm, tới đăng kiểm cũng như hệ thống dữ liệu khai thác, mua bán của ngư dân. Đồng thời, cung cấp thông tin trữ lượng tác động của đội tàu cá đến nguồn lợi thủy sản phục vụ trong việc hoạch định chiến lược và kế hoạch phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh. Việc áp dụng phần mềm quản lý tàu cá còn giúp cho người dân thuận tiện trong việc theo dõi thông tin, tiết kiệm chi phí trong hoạt động khai thác hải sản. Hiện chúng tôi cũng đã đề nghị Viện Kinh tế Quy hoạch Thủy sản và VNPT Quảng Ninh đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện phần mềm để đưa vào sử dụng, trước mắt tập trung cài đặt và chạy thử cho 225 tàu hoạt động vùng khơi của tỉnh ngay trong quý I/2023, sau đó tổng kết chỉnh sửa và áp dụng cho toàn bộ tàu cá của tỉnh.
Việc chống khai thác IUU là rất quan trọng, bởi không chỉ ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu, thương hiệu quốc gia, mà còn liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, cũng như đời sống của ngư dân. Do đó, việc số hóa công tác quản lý tàu cá sẽ là một giải pháp mang tính cốt lõi trong khắc phục các tồn tại mà Ủy ban Châu Âu chỉ ra, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Quảng Ninh trong việc gỡ “thẻ vàng”.
Nguồn Báo Quảng Ninh
Tin tức khác
- Nâng mức hỗ trợ người có công tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh nâng mức tặng quà cho người có công với cách mạng
- Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
- Lần đầu tiên mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng 35,7%
- Theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng.