Quy hoạch quan trắc môi trường quốc gia: Nâng cao năng lực cảnh báo môi trường
Chiều 21/2, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp, nghe Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết: Để triển khai xây dựng nội dung Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục đã tiến hành điều tra khảo sát tại các địa phương thuộc khu vực Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Đồng thời, tổ chức hội thảo lấy ý kiến các Bộ, ngành và các địa phương về phương án quy hoạch mạng lưới điểm quan trắc môi trường. Đến nay, về cơ bản đã hoàn thành hồ sơ quy hoạch theo đúng yêu cầu của Quyết định số 259/QĐ-TTg về phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia được quy hoạch trên cơ sở rà soát, sửa đổi, cập nhật mới các nội dung về quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2025, đáp ứng các quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Việc xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc môi trường quốc gia bao gồm chương trình quan trắc chất lượng môi trường tại các lưu vực sông và hồ liên tỉnh, các vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải, có nguồn thải lớn tác động liên tỉnh, quan trắc môi trường xuyên biên giới để theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, kịp thời cung cấp thông tin, dữ liệu và nâng cao năng lực cảnh báo môi trường phục vụ công tác quản lý.
Theo dự thảo, phạm vi quy hoạch được thực hiện trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Mạng lưới quan trắc gồm có: Quan trắc chất lượng không khí, quan trắc chất lượng nước mặt, quan trắc chất lượng nước cửa sông, quan trắc chất lượng nước biển ven bờ, quan trắc chất lượng nước biển xa bờ, quan trắc mưa axit, quan trắc đa dạng sinh học, quan trắc nước dưới đất.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết thêm, trong thời gian tới, Cục sẽ trình Bộ gửi lấy ý kiến các Bộ ngành, địa phương và tổ chức hội thảo lấy ý kiến rộng rãi. Trên cơ sở đó, Cục sẽ tiếp thu ý kiến góp ý để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch và dự kiến trình Bộ họp Hội đồng thẩm định trước ngày 20/4, trình Thủ tướng Chính phủ trước quý II/2023.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết: Quan trắc môi trường là một hoạt động đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo bảo vệ môi trường. Việc xây dựng hệ thống quan trắc môi trường quốc gia nhằm nâng cao năng lực cảnh báo môi trường, góp phần giúp các cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về môi trường.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo quy hoạch trước khi gửi lấy ý kiến rộng rãi. Các nội dung của quy hoạch phải bám sát đề cương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 14/02/2020 về việc phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo đồng bộ với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch quốc gia về bảo vệ môi trường và các luật có liên quan như Luật Quy hoạch, Luật Bảo vệ môi trường.
Đồng thời, Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cần phối hợp với Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường xác định nội dung về quan trắc đa dạng sinh học để bổ sung vào trong nội dung mạng lưới quy hoạch quan trắc môi trường quốc gia.
Nguồn Cổng thông tin điện tử Bộ tài nguyên môi trường
Tin tức khác
- Nâng mức hỗ trợ người có công tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh nâng mức tặng quà cho người có công với cách mạng
- Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
- Lần đầu tiên mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng 35,7%
- Theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng.