Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự thảo luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 26/10, Quốc hội tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).


Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội.

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo luật; đồng thời, tham gia nhiều ý kiến cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo luật.

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết, dự thảo luật có một số quy định về việc cơ quan, tổ chức, cá nhân phải lấy ý kiến hoặc phải có sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi triển khai công trình, dự án hoặc quyết định vấn đề liên quan đến tài nguyên nước. Cho rằng đây là quy định hợp lý, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về thời hạn trả lời của Bộ Tài nguyên và Môi trường để thuận lợi hơn cho các đối tượng xin ý kiến.


Đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận.

Về đăng ký cấp phép, đại biểu cho biết, dự thảo luật tuy có chia ra 2 trường hợp là đăng ký và cấp phép, nhưng lại quy định cả 2 trường hợp này đều cần có xác nhận bằng văn bản của cơ quan cấp phép, mà chưa quy định về nguyên tắc, điều kiện, căn cứ cấp giấy đăng ký và các trường hợp điều chỉnh thu hồi giấy đăng ký, thời hạn của giấy đăng ký. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định rõ những nội dung này để đảm bảo sự minh bạch, thuận lợi cho các đối tượng phải đăng ký, khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Dự thảo luật đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để quy định cụ thể hơn về nguyên tắc, căn cứ, điều kiện cấp phép. Tuy nhiên, dự thảo luật mới chỉ dừng ở điều kiện chung cho cả 4 loại giấy phép. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để có quy định hợp lý hơn trong vấn đề này.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, chỉnh lý hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét.

Trong phiên thảo luận tại hội trường chiều cùng ngày về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thống nhất với nhiều nội dung dự thảo luật, đồng thời cũng tham gia nhiều ý kiến hoàn thiện dự án luật như: Rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy tại chung cư mini; quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư còn chưa rõ ràng; cần sửa đổi quy định về mua, thuê nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ; quy định về lập phương án bồi thường, tái định cư khó khả thi trên thực tế…


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung phiên họp.

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo cũng như dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Nguồn: quangninh.gov.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 452