Quản lý, bảo vệ tài nguyên nước gắn với phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai
(Chinhphu.vn) - Không thể tách rời quản lý tài nguyên nước với quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước và phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay
Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo "Nâng cao hiệu quả thực hiện Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045" do Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Hội thủy lợi Việt Nam tổ chức.
Trước đó, ngày 23/6/2022, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 36-KL/TW về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có kết luận về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa cho thấy vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa đối với phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội.
Theo TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú, dồi dào. Tổng lượng nước mặt trung bình khoảng 840 tỷ m3/năm. Với hơn 7.500 đập, hồ chứa đã tạo nên dung tích trữ nước chủ động trên 70 tỷ m3.
Tuy nhiên, nguồn nước của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng sụt giảm về trữ lượng do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; thay đổi chế độ dòng chảy; sự phụ thuộc nhiều vào nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ; thoái hóa rừng làm giảm khả năng giữ nước, điều hòa nguồn nước.
Bên cạnh đó, quá trình phát triển kinh tế-xã hội, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa; sự gia tăng của dân số và nhu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng nhanh, tình trạng ô nhiễm nguồn nước chưa được giải quyết triệt để đã làm suy giảm chất lượng nước.
Trong thời gian qua, Nhà nước đã bố trí gần 10.000 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn cho hơn 800 hồ chứa. Tuy nhiên, vẫn còn đến 1.200 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp, chưa được sửa chữa, nâng cấp, trong đó có 200 hồ chứa hư hỏng nghiêm trọng cần xử lý cấp bách.
Trong thời gian tới, nếu không có giải pháp đột phá, Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ mất an ninh nguồn nước và mất an toàn đập, hồ chứa nước, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
GS. TS Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai không thể tách rời nhau, cũng như không thể tách rời quản lý tài nguyên nước với việc lập các chương trình phát triển, điều hòa lại nguồn nước mặt, nước ngầm và phòng chống giảm nhẹ thiên tai (lũ, lụt, úng, hạn, sạt lở đất, xâm nhập mặn…) và khai thác, sử dụng nước để cung cấp nước cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản và các nhu cầu cho dân sinh ở cả nông thôn và thành thị.
Do đó, muốn bảo vệ, khai thác và phát triển nguồn nước phải nghiên cứu quy hoạch lưu vực sông, tính toán cân bằng nước trên cả một vùng rộng lớn thì từ đó mới đề ra chiến lược, xây dựng quy hoạch và kế hoạch đúng đắn.
Thực tế đã chứng minh không thể đề ra được những biện pháp, những kế hoạch thủy lợi trong nhiều năm nhằm chống lũ, lụt, hạn hán, cấp nước đô thị và dân sinh của đồng bằng sông Hồng nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng và đầy đủ lưu vực sông Hồng, lưu vực Lô – Gâm. Hay không thể đề ra chiến lược cũng như kế hoạch giải quyết các vấn đề phòng chống lũ, lụt, xâm nhập cải tạo chua phèn, cấp nước và tiêu nước cho ĐBSCL mà không tính đến tình hình thượng nguồn sông Mekong.
Ngoài ra, tổ chức quản lý nhà nước về tài nguyên nước của ta hiện nay còn phân tán, chồng chéo, trùng lặp giữa các bộ, ngành, đặc biệt là về bảo vệ phân phối tài nguyên nước và về khai thác, sử dụng, phát triển nguồn nước, quản lý hệ thống công trình thuỷ lợi và phòng chống thiên tai. Do đó nên đưa công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai về một đầu mối, như thế sẽ không tạo ra sự chồng chéo và khoảng trống.
Chia sẻ về tình trạng ngập lụt ở các đô thị, đại diện Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, biến đổi khí hậu hiện là nguyên nhân của những trận mưa với lượng mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn gây ra tình trạng ngập lụt, úng. Trong khi đó, đô thị hóa là tất yếu, khách quan, là động lực phát triển quan trọng, do đó cần phải lồng ghép quy hoạch tiêu thoát nước, chống ngập lụt vào trong quy hoạch phát triển.
Viện Quy hoạch thủy lợi đề xuất giải pháp công trình và cả phi công trình. Trong đó, các biện pháp phi công trình như: Rà soát, lập mới, điều chỉnh quy hoạch đô thị theo hướng lợi dụng ưu thế tự nhiên để tăng mức độ thích nghi, giảm bớt rủi ro, tôn trọng không gian dành cho nước; quy hoạch thoát nước đô thị cần kết hợp với quy hoạch tiêu thoát nước nông nghiệp theo hướng thoát nước bền vững thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng bản đồ hiện trạng ngập lụt, bản đồ dự báo ngập lụt đô thị tương ứng với giai đoạn quy hoạch…
Tin tức khác
- Nâng mức hỗ trợ người có công tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh nâng mức tặng quà cho người có công với cách mạng
- Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
- Lần đầu tiên mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng 35,7%
- Theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng.