Phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ
Năm 2022, toàn tỉnh có 25 trẻ bị tử vong do tai nạn thương tích (TNTT). Dù chưa vào hè 2023, nhưng trên địa bàn tỉnh đã có những vụ đuối nước thương tâm xảy ra với trẻ em. Bởi vậy, công tác phòng, chống TNTT cho trẻ em cần được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm hơn.
Là thành phố thủ phủ của tỉnh, Hạ Long có gần 76.300 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 22,03% so với tổng dân số trên địa bàn; thời gian qua, công tác phòng, chống TNTT cho trẻ em nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền từ thành phố đến các phường, xã.
Theo bà Phạm Thị Nhàn, Phó Phòng LĐ-TB&XH thành phố, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn giao thông; phòng, chống đuối nước; phòng, chống TNTT cho trẻ; năm 2022, thành phố đã tổ chức 6 lớp dạy bơi miễn phí cho 70 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; triển khai các hoạt động quản lý giáo dục thanh thiếu nhi học sinh trong dịp hè, triển khai các hoạt động truyền thông về bảo vệ trẻ em trong trường học; khảo sát trực tuyến về môi trường an toàn với phụ nữ và trẻ em gái... từ đó nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong phòng, chống TNTT cho trẻ. Đồng thời, trong năm, thành phố cũng đã hỗ trợ TNTT, mai táng phí, xâm hại tình dục cho 10 trẻ với tổng số tiền 92 triệu đồng.
Công tác phòng, chống TNTT cho trẻ thời gian qua cũng đã được các ngành, địa phương trong tỉnh triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Tỉnh và các ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản về phòng, chống TNTT và đuối nước cho trẻ em; phòng chống xâm hại trẻ em. 10 sở, ban, ngành của tỉnh đã phối hợp xây dựng, thực hiện kế hoạch liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2030...
Các địa phương, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên tổ chức sự kiện truyền thông về phòng, chống TNTT, phòng, chống đuối nước trẻ em tại các trường học. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực về phòng, chống TNTT cho cộng tác viên là tổ trưởng dân phố, hội phụ nữ, y tế các xã phường, thị trấn.
Các địa phương còn tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình thường xuyên quan tâm giám sát con, em mình để phòng tai nạn đuối nước, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè, mùa mưa bão và các đợt thiên tai. Riêng năm 2022, cả 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước; qua đó, có gần 3.000 lượt người lớn và trẻ em được tập huấn kỹ năng về phòng, chống TNTT, sơ cứu đuối nước trẻ em. Toàn tỉnh cũng đã tổ chức 555 buổi tập huấn truyền thông cho hơn 8.200 lượt người về các nội dung liên quan đến trẻ em, trong đó có phòng chống TNTT cho trẻ. Các địa phương còn tổ chức cho các gia đình ký cam kết thực hiện ngôi nhà an toàn cho trẻ và đã có hơn 18.000 hộ gia đình ký cam kết này.
Mô hình phòng, chống TNTT cho trẻ em tại các vùng, miền có nguy cơ xảy ra TNTT được tỉnh duy trì và nhân rộng. Hàng năm, các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đều triển khai, nhân rộng mô hình dạy bơi, dạy kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước đến các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Mỗi năm, từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ khoảng 40 lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra mỗi năm, các địa phương còn tổ chức gần 200 lớp dạy bơi từ nguồn xã hội hóa. Năm 2022, tỉnh thí điểm triển khai mô hình thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái tại TP Hạ Long...
Tỉnh còn chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp về phòng, chống TNTT trẻ em. 100% các cơ sở giáo dục tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống TNTT trẻ em trong nhà trường; chú trọng kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn giao thông và đuối nước cho tất cả học sinh cấp tiểu học, THCS; xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên dạy bơi, giáo dục kỹ năng bơi an toàn, tổ chức dạy bơi cho học sinh trong trường học; phối hợp, hỗ trợ và tạo điều kiện địa điểm, cơ sở vật chất tư nhân tổ chức dạy bơi cho trẻ em của trường, nhất là trong dịp hè. Các cơ sở giáo dục xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, không có bạo lực...
Cùng với đó, khi tiếp nhận thông tin các vụ việc TNTT xảy ra với trẻ em, Sở LĐ-TB&XH đều có sự hướng dẫn, can thiệp bằng văn bản, đi thực địa; phối hợp với các ngành thành viên... để hỗ trợ cán bộ địa phương can thiệp kịp thời, đánh giá nguy cơ để cùng huyện, xã đưa ra giải pháp ngăn chặn, khoanh vùng nguy hiểm để cải tạo ngay. Việc tiếp nhận thông tin và chỉ đạo Ban Bảo vệ trẻ em, nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã, nơi để xảy ra vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em tại các địa phương đặc biệt địa bàn có nguy cơ cao được thực hiện thường xuyên; thực hiện quy trình can thiệp và theo dõi, đánh giá, hỗ trợ trẻ em kịp thời, hiệu quả, không để các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em tái diễn.
Mặc dù đã triển khai mạnh các giải pháp, nhưng vẫn có nhiều vụ việc TNTT, xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn. Năm 2022, toàn tỉnh có 23 trẻ tử vong do đuối nước, 1 trẻ tai nạn giao thông, 1 trẻ tử vong do nguyên nhân khác; phát hiện 39 vụ xâm hại 40 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó 26 vụ xâm hại tình dục. Bởi vậy, công tác phòng, chống TNTT vẫn rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành và cộng đồng, nhất là trong dịp hè 2023 sắp tới.
Nguồn Báo Quảng Ninh
Tin tức khác
- Nâng mức hỗ trợ người có công tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh nâng mức tặng quà cho người có công với cách mạng
- Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
- Lần đầu tiên mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng 35,7%
- Theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng.