Phòng cháy từ trong ý thức

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đau lòng nhất phải kể đến vụ cháy làm 56 người thiệt mạng tại chung cư mini số 37, ngõ 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Tuy nhiên, có một thực tế là dù các lực lượng chức năng, trong đó chủ đạo là lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã tăng cường tuyên truyền, vận động, xử lý vi phạm, thế nhưng ý thức phòng cháy của một bộ phận người dân, doanh nghiệp vẫn còn chưa cao.

Như mới đây, tại thôn 5, xã Quảng Chính (huyện Hải Hà) vừa xảy ra một vụ cháy lớn ở một xưởng sửa chữa ô tô. Ngọn lửa bốc lên, lan nhanh bao trùm nhà xưởng trên diện tích khoảng 200m2 được lợp mái tôn. Rất may lực lượng cứu hoả đã có mặt kịp thời dập tắt đám cháy, không để cháy lan sang các căn hộ liền kề. Tuy không có thiệt hại về người, nhưng vụ cháy đã thiêu rụi 4 chiếc ô tô đang sửa chữa, cùng tài sản trong gara.

Tiếp đó, vào sáng 22/11, đã xảy ra vụ hoả hoạn tại khu chợ 2, khu chợ mở rộng thuộc chợ Cột 3, phường Hồng Hải (TP Hạ Long). Ngọn lửa nhanh chóng lan vào 6 ki ốt, trong đó có 2 ki ốt làm tóc, 1 ki ốt bán hoa, 3 ki ốt bán tạp hóa. Lực lượng cứu hoả phải mất khoảng 1 giờ để dập tắt hoàn toàn vụ cháy… Vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người.

Được biết, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 18 vụ cháy, gây thiệt hại ước tính khoảng 1 tỷ đồng (giảm 6 vụ cháy, giảm trên 18 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022), không có thiệt hại về người. Nguyên nhân chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện; sơ suất, bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; đa phần các vụ cháy xảy ra trong khu dân cư.

Những con số trên cho thấy sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động làm thay đổi, chuyển biến rõ nét về nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp, tổ chức trong công tác PCCC, nhất là phòng cháy tại hộ gia đình, khu dân cư.

Hiện toàn tỉnh có trên 17.000 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC; 109/1.452 khu dân cư nguy cơ cháy, nổ cao. Tình hình cháy nổ trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được kiềm chế. Thế nhưng nguy cơ cháy, nổ vẫn luôn tiềm ẩn, nhất là tại các khu chung cư, nhà xưởng, nhà ở kết hợp kinh doanh. 

Để công tác phòng cháy đạt hiệu quả, công an các địa phương, nhất là lực lượng cảnh sát PCCC đã tích cực, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức tập huấn về PCCC cho người dân, học sinh, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn. Cùng với đó đẩy mạnh phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”, “Đổi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ lấy bình chữa cháy”, “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng”… Huy động xã hội hoá, vận động tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp hỗ trợ, tặng bình chữa cháy cho các hộ dân, công nhân, người lao động. Nhờ đó tỷ lệ hộ gia đình có bình chữa cháy đạt cao. 

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 1.513 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, 514 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”; trên 350.000 người là đại diện hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh được tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng về PCCC. Các hộ gia đình chủ động trang bị thiết bị PCCC, mở lối thoát nạn.

Dự báo thời gian tới tình hình cháy nổ tiếp tục diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải thực sự trăn trở, trách nhiệm, tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác PCCC&CNCH.

Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của các cấp chính quyền; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền vận động, hướng dẫn, nâng cao ý thức, tinh thần, trách nhiệm và kỹ năng của người dân trong phòng chống cháy, nổ; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nguồn lực toàn xã hội cho công tác PCCC&CNCH.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục tổng rà soát, kiểm tra về công tác PCCC, nhất là đối với chung cư, chung cư mini, cơ sở cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao. Xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) theo đúng quy định pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, lực lượng đẩy mạnh việc xây dựng chính sách, pháp luật, hoàn thiện thể chế, hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC, nghiêm cấm "cài cắm" lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách, pháp luật.

Là địa bàn phát triển sôi động về kinh tế - xã hội với tốc độ đô thị hóa cao, nhiều nhà cao tầng, nhiều loại hình kinh tế có nguy cơ cháy nổ cao, Quảng Ninh được xác định là một trong những địa phương trọng điểm về PCCC. Do đó, công tác phòng cháy trên địa bàn cần được các địa phương, lực lượng chức năng, đặc biệt người dân, đơn vị, doanh nghiệp chủ động hơn nữa. Qua đó góp phần hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cháy nổ gây ra.

Nguồn Báo Quảng Ninh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 1146