Phổ cập kỹ năng số cho người dân
Với quan điểm lấy người dân là trung tâm, chủ thể, là đối tượng thụ hưởng chính trong chuyển đổi số, thời gian qua, Quảng Ninh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp cụ thể, hiệu quả nhằm phổ cập kỹ năng số phục vụ đời sống hằng ngày. Từ đó, thúc đẩy hình thành công dân số, phát triển kinh tế số, xã hội số...
Trong tiến trình chuyển đổi số, các dịch vụ số, như: Hóa đơn điện tử, thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt đối với một số dịch vụ thiết yếu như viện phí, điện, nước, mua sắm… là những tiện ích hết sức thiết thực, gần gũi với đời sống xã hội, phục vụ trực tiếp người dân. Các tiện ích này đã và đang từng bước tạo thuận lợi và sự minh bạch, giảm thời gian và chi phí phát sinh cho các TTHC, giảm thao tác thủ công, giảm áp lực công việc cho cán bộ các đơn vị, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp... Để đưa được những tiện ích này tới gần hơn với người dân, thời gian qua, các sở, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh đã chú trọng triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ cập kiến thức, “cầm tay chỉ việc”… qua đó, thu về nhiều kết quả khả quan.
Là đơn vị có nhiệm vụ chuyên môn về thuế, trong năm 2022, Cục Thuế tỉnh đã đẩy mạnh hỗ trợ và hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng Thuế điện tử cho thiết bị di động (Etax mobile); thực hiện TTHC đăng ký thuế lần đầu, thay đổi thông tin đăng ký thuế của cá nhân không kinh doanh qua Cổng dịch vụ công quốc gia có kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Từ tháng 6/2022, Đoàn Thanh niên Cục Thuế tỉnh đã xung kích thành lập các Tổ công nghệ số, phối hợp với bộ phận tuyên truyền – hỗ trợ tại văn phòng Cục và các Chi cục dựng các bảng pano, áp phích tuyên truyền, thu hút người nộp thuế quan tâm; trực tiếp hướng dẫn cá nhân không kinh doanh đến cơ quan thuế đăng ký tài khoản giao dịch thuế điện tử; đăng ký thuế lần đầu để cấp mã số thuế cá nhân… Định kỳ thứ 2 hằng tuần, 1 đoàn viên có chuyên môn tốt về chuyển đổi số được phân công thường trực tại bộ phận 1 cửa để hỗ trợ người nộp thuế.
Đến hết năm 2022, nhờ sự tích cực trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kiến thức và kỹ năng sử dụng ứng dụng số trong lĩnh vực thuế, đã có gần 100% doanh nghiệp, tổ chức khai và sử dụng thuế điện tử; hơn 8.000 lượt đăng ký sử dụng ứng dụng Etax mobile, trong đó số lượng người nộp thuế qua Etax mobile là gần 3.000 với gần 4.000 lượt giao dịch, tổng số tiền nộp thuế thành công là hơn 45 tỷ đồng…
Còn trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử sẽ đạt tối thiểu 50%; 90% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch trực tuyến; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/năm… Thực hiện mục tiêu này, trong năm qua, các chi nhánh của các ngân hàng trên toàn địa bàn tỉnh đã đồng loạt phối hợp với chính quyền địa phương triển khai phủ sóng đặt mã QR hỗ trợ thanh toán trực tuyến tại các hộ kinh doanh, điểm bán hàng nhỏ lẻ, chợ truyền thống trên toàn địa bàn tỉnh; hỗ trợ các tiểu thương đăng ký tài khoản thanh toán điện tử…
Theo thống kê của Sở TT&TT tỉnh, toàn tỉnh đang có 2,46 triệu tài khoản có chức năng thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có 1,6 triệu tài khoản đang hoạt động. Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử hiện đạt 35,3%. Đến nay, 100% bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm hành chính công, trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp… đã chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; tỷ lệ thanh toán phí dịch vụ hành chính công không dùng tiền mặt ở cấp tỉnh đạt 65,77% và ở cấp huyện đạt 22,89%; tỷ lệ doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền điện, nước không dùng tiền mặt đạt trung bình gần 80%…
Cùng với đó, năm 2022, đã có trên 174 tỷ đồng được thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công của tỉnh liên quan đến lĩnh vực đất đai trên Cổng dịch vụ công quốc gia…
Để đưa được kỹ năng số ngày càng đến gần hơn với người dân, để người dân thực sự là những người sử dụng và thụ hưởng được thành quả của chuyển đổi số, một trong những cách làm sáng tạo đang được Quảng Ninh thực hiện và thu về những kết quả khá khả quan là việc thành lập và duy trì hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng. Đến nay, toàn tỉnh thành lập được 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng, bao phủ toàn bộ 177 xã, phường, thị trấn và 1.452 thôn, bản, khu phố với sự tham gia của hơn 11.000 thành viên.
Các Tổ công nghệ số cộng đồng đã được Sở TT&TT tỉnh tập huấn về nhiều nội dung, như: Thông tin về chương trình, mục tiêu chuyển đổi số của Quảng Ninh; kỹ năng sử dụng Cổng dịch vụ công tỉnh và quốc gia, trang Chính quyền điện tử tỉnh… Đồng thời, tập huấn cách hướng dẫn người dân cài đặt, nắm bắt kỹ năng sử dụng thành thạo các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản, như: Định danh điện tử cá nhân, BHXH điện tử, sổ sức khỏe điện tử, tài khoản thanh toán trực tuyến, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, quốc gia… Với phương châm hoạt động “đi từng ngõ, gõ từng nhà” trực tiếp hướng dẫn người dân theo hướng cầm tay chỉ việc, các Tổ công nghệ số cộng đồng đã và đang góp phần tích cực giúp lan toả công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số và từng bước xây dựng công dân số… từ đó thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội.
Nguồn Báo Quảng Ninh
Tin tức khác
- Nâng mức hỗ trợ người có công tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh nâng mức tặng quà cho người có công với cách mạng
- Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
- Lần đầu tiên mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng 35,7%
- Theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng.