Phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đột phá
Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT) giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được định hướng rõ ràng và thể hiện quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lấy công nghiệp CBCT làm trọng tâm, trọng điểm. Để thực hiện định hướng này, một trong những giải pháp được tỉnh quyết tâm thực hiện là hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU, UBND tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động số 01/CTr-UBND để triển khai Nghị quyết 01-NQ/TU thực hiện một cách đồng bộ, bài bản. Các địa phương, đơn vị đã chỉ đạo chuyên môn xây dựng kế hoạch triển khai, trong đó cụ thể hoá các nhiệm vụ, giải pháp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tập thể, cá nhân có liên quan để tổ chức thực hiện; xây dựng lộ trình hoàn thành để thuận tiện cho công tác theo dõi, đôn đốc và kiểm tra, giám sát. Đồng thời, đưa nội dung, nhiệm vụ được giao liên quan đến Nghị quyết vào phương hướng nhiệm vụ hằng năm, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Giải pháp quan trọng nhất được xác định là chuẩn bị các điều kiện hạ tầng tốt nhất để thu hút các dự án đầu tư mới trong lĩnh vực công nghiệp CBCT, nhất là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Mặc dù trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng với những giải pháp cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư công, từ năm 2020 đến nay, tỉnh huy động nhiều nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối phục vụ cho các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) cũng như các trung tâm kinh tế lớn trên địa bàn. Trong đó, dấu ấn quan trọng, tỉnh đã khánh thành và đưa vào khai thác cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đầu tháng 9/2022, góp phần kết nối đến các KKT ven biển trên địa bàn và kết nối đồng bộ với tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Bên cạnh đó, hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm cũng hoàn thành, tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ như: Cầu Cửa Lục 1; Cầu Cửa Lục 3; nút giao Đầm Nhà Mạc (Km20+50 đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng); đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều (đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338); đường nối từ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh; Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh… Đây đều là những dự án giao thông mang tính động lực, tăng sức hút của các KCN, KKT đối với các nhà đầu tư.
Là địa phương có diện tích các KKT, KCN lớn nhất trong cả nước, nhờ hạ tầng kỹ thuật từng bước được hoàn thiện, toàn tỉnh đã thu hút 83 dự án công nghiệp CBCT thực hiện tại địa bàn các KCN trên diện tích khoảng 650ha (trung bình 7,8 ha/dự án). Suất vốn đầu tư bình quân đạt 3,76 triệu USD/ha. Các doanh nghiệp ngành CBCT trong các KCN trên địa bàn tỉnh hiện đang tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động.
Bên cạnh hiệu quả từ phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hạ tầng kỹ thuật các KCN, KKT, tỉnh cũng đang chú trọng đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng các KCN đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống xử lý nước thải, các công trình bảo vệ môi trường môi trường, hạ tầng điện, nước; khuyến khích thu hút đầu tư các hạ tầng xã hội, dịch vụ thiết yếu phục vụ người lao động; phát triển bền vững các KCN theo hướng khu công nghiệp, khu đô thị – dịch vụ bền vững. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã khởi công xây dựng 3 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với quy mô 2.327 căn hộ (tương ứng 187.000 m2 sàn); trong đó đã hoàn thành 612 căn hộ, tương ứng với 46.000m2 sàn. Tháng 3/2022, dự án Khu nhà ở công nhân và chuyên gia KCN Đông Mai có tổng diện tích 9,12ha, quy mô 5 tòa nhà 6 tầng gồm 1.000 căn hộ, đáp ứng được chỗ ở cho khoảng 5.500 người đã được khởi ở vị trí đẹp nhất, đắc địa nhất tại địa bàn trung tâm phát triển của TX Quảng Yên.
Mới đây nhất, dự án nhà ở xã hội Khu dân cư đồi Ngân hàng (phường Hồng Hải, Cao Thắng, TP Hạ Long) được xây dựng trên diện tích là gần 26.000m2, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng trên 125.000m2, vốn đầu tư khoảng 1.361 tỷ đồng cũng đã được khởi công vào cuối tháng 10/2022. Dự án khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng chỗ ở ổn định cho khoảng 3.880 công nhân, người lao động có thu nhập thấp, góp phần thu hút nguồn lao động, chuyên gia về làm việc, tạo đà phát triển cho TP Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung…
Nguồn cổng thông tin điện tử Quảng Ninh
Tin tức khác
- Nâng mức hỗ trợ người có công tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh nâng mức tặng quà cho người có công với cách mạng
- Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
- Lần đầu tiên mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng 35,7%
- Theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng.