Nỗ lực thực hiện mục tiêu 23.000 việc làm mới

Nghị quyết 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết 128/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh đã đề ra chỉ tiêu tạo ra ít nhất 20.000 việc làm tăng thêm trong năm 2023. Để đạt mục tiêu này, các cấp, ngành đang nỗ lực thực hiện các giải pháp, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Được giao chỉ tiêu tạo ít nhất 800 việc làm, ngay từ đầu năm 2023, huyện Hải Hà đã chỉ đạo phòng LĐ-TB&XH phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu triển khai thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, quản lý nhà nước về lao động trên địa bàn, quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động tại địa phương.

Huyện tập trung thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã có 5 doanh nghiệp được thành lập mới. Mặt khác, huyện tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ việc làm, kết nối thông tin thị trường lao động, hỗ trợ đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. UBND huyện đã ban hành kế hoạch đào tạo nghề sơ cấp dưới 3 tháng cho 84 lao động nông thôn.

Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm (thuộc Sở LĐ-TB&XH) tổ chức ngày hội việc làm và xuất khẩu lao động năm 2023 tại các xã Đường Hoa và Quảng Long thu hút trên 200 lao động tham gia. Đồng thời, huyện thường xuyên tuyên truyền, cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp để người lao động trên địa bàn tham gia ứng tuyển. Ngân hàng CSXH huyện cũng vào cuộc, cho 335 đối tượng vay vốn tạo việc làm với số tiền 22,36 tỷ đồng... Qua triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trên, đến hết tháng 4/2023 toàn huyện Hải Hà đã giải quyết việc làm tăng thêm cho 273 lao động.

Còn Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, từ đầu năm đến nay tiếp tục duy trì tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ hằng tháng có kết nối online trong và ngoài tỉnh; tổ chức tốt các phiên giao dịch việc làm; phối hợp với trung tâm dịch vụ việc làm 8 tỉnh khu vực phía Bắc tổ chức phiên giao dịch việc làm online.

Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh còn phối hợp với phòng LĐ-TB&XH các địa phương, Trung tâm Truyền thông tỉnh, các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề thực hiện công tác tuyên truyền hoạt động các phiên giao dịch việc làm để nắm nguồn lao động phục vụ hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm; tổ chức 46 sàn giao dịch việc làm định kỳ, 8 ngày hội việc làm; triển khai tổ chức 5 buổi tư vấn định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động cho học sinh tại một số trường THPT và một số trung tâm GDNN-GDTX. Trung tâm còn tiếp nhận 223 lao động đăng ký dự thi chương trình xuất khẩu lao động Hàn Quốc (EPS). 5 tháng đầu năm 2023, trung tâm đã tư vấn việc làm cho 5.357 trường hợp, giới thiệu việc làm cho 1.540 trường hợp.

Không chỉ huyện Hải Hà, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, mà các ngành, địa phương đều nỗ lực trong việc tạo vị trí việc làm mới cho người lao động. Các cấp, ngành, đơn vị, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội đều tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác giải quyết việc làm đối với sự phát triển KT-XH trên địa bàn; lồng ghép, tích hợp các mục tiêu, chỉ tiêu về tạo việc làm vào chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương…

Cùng với đó, tỉnh, các địa phương còn thực hiện nhiều chính sách, biện pháp khuyến khích, nâng cao hiệu quả thu hút dự án đầu tư ngoài NSNN, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế; tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác, giữa Quảng Ninh với các địa phương trong và ngoài nước trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch; đẩy mạnh phát triển thương mại theo hướng hiện đại; thúc đẩy hoạt động XNK, dịch vụ logistics; kinh tế biển, dịch vụ cảng biển, vận tải... theo định hướng của tỉnh. Thu hút đầu tư 4 tháng đầu năm của tỉnh đạt 14.356,8 tỷ đồng.

Mặt khác, tỉnh cũng không ngừng nâng cao hiệu quả lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; xây dựng NTM hiện đại, nông dân văn minh đồng bộ với vấn đề giải quyết việc làm; triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng giải quyết việc làm.

Các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, doanh nhân tháo gỡ khó khăn; khuyến khích hoạt động hỗ trợ việc thành lập mới và chuyển hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp; phát triển các HTX kiểu mới, kinh tế tư nhân... cũng được thực hiện đồng bộ. Riêng trong tháng 4, toàn tỉnh có 174 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số đến thời điểm hiện nay lên thành 17.258 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đăng ký kinh doanh, vốn đăng ký đạt 368.000 tỷ đồng.

Các địa phương còn tăng cường triển khai phối hợp giữa “3 nhà” (nhà nước - cơ sở đào tạo - doanh nghiệp) trong kết nối, trao đổi thông tin, triển khai đào tạo để kịp thời thực hiện các giải pháp đào tạo, nâng cao chất lượng, quy mô, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lực lượng lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, đảm bảo cân bằng cung - cầu của thị trường lao động.

Thời gian tới, công tác giải quyết việc làm vẫn còn nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong trong xuất khẩu hàng hóa do ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình chính trị trên thế giới… Điều này đòi hỏi sự năng động hơn nữa của các địa phương trong phát huy thế mạnh để tạo vị trí việc làm cho người lao động.

Nguồn Báo Quảng Ninh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 82