Nâng cao hiệu quả trong thực hiện dân chủ cơ sở

Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện gắn với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai đồng bộ các nội dung thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Qua đó đã đáp ứng kịp thời tâm tư, nguyện vọng và giải quyết được những vấn đề bức xúc của người dân. Với sự tham gia tích cực của chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân, việc thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh về quy chế dân chủ ở cơ sở đã tác động tích cực đến tất cả các lĩnh vực, khơi dậy và phát huy nguồn lực vật chất và tinh thần to lớn thực hiện chương trình mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.

Việc thực hiện dân chủ cơ sở trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp ngày càng thực chất, công khai, minh bạch hơn. Chính quyền các cấp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và điều hành linh hoạt theo hướng cụ thể, gần dân, vì nhân dân phục vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; chấn chỉnh kỷ cương, chế độ công chức, công vụ; tăng cường đối thoại trực tiếp, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo công dân. Hoạt động của HĐND các cấp tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, phát huy tốt chế độ dân chủ đại diện...

Các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng các cấp, kế hoạch, chương trình, các chế độ chính sách như: nâng lương, chuyển ngạch, luân chuyển cán bộ, bổ nhiệm lại, đào tạo bồi dưỡng, thi đua khen thưởng... đều được triển khai kịp thời. Việc lấy ý kiến của cấp ủy chính quyền nơi cư trú góp ý cho cán bộ, đảng viên khi đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu vào cấp ủy, vào các chức danh lãnh đạo được thực hiện tốt đã và đang phát huy tác dụng trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ.

Quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân, các quyền, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức tham gia, được biết…Từ đó tạo động lực thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa-xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương; rõ nhất là trên lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nếp sống văn hóa, làm chuyển biến về ý thức, trách nhiệm và phong cách làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc luôn lắng nghe, tiếp thu, tôn trọng các ý kiến của nhân dân.

Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai trên địa bàn Quảng Ninh nói riêng cũng như cả nước nói chung và trước yêu cầu của tình hình mới cho thấy các quy định về dân chủ ở cơ sở đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập về nội dung, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng thực hiện dân chủ chưa phù hợp thực tiễn, thiếu chế tài... Vai trò tham gia và giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên và sáng kiến của nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở sơ sở chưa được đề cao…

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội thông qua ngày 10/11/2022 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023) với kỳ vọng nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền dân chủ của nhân dân; đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và giải quyết kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành.

Để Luật đi vào cuộc sống, thời gian qua, các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc. Tỉnh đã ban hành kế hoạch 160/KH-UBND ngày 20/6/2023 triển khai thi hành Luật. Đặc biệt, ngày 14/9 vừa qua, Sở Nội vụ tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến Luật cho gần 500 học viên là lãnh đạo phụ trách và công chức, viên chức trực tiếp tham mưu việc tổ chức, triển khai thực hiện Luật thuộc các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn.

Theo ông Bùi Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ: Để triển khai tốt Luật, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chủ động ban hành kế hoạch phổ biến, quán triệt Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với tình hình thực tiễn. Căn cứ vào Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, thực hiện rà soát các văn bản có liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở do đơn vị mình ban hành hoặc tham mưu, đề xuất theo thẩm quyền để bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung thay thế những quy định không còn phù hợp, hết hiệu lực thi hành; tiếp tục nâng cao hiệu quả, thực chất việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Nguồn Báo Quảng Ninh

 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 174