Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở
Nhận thức được tầm quan trọng của thiết chế văn hóa, thể thao, những năm gần đây Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh và các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cấp xã và thôn.
Đến nay, toàn tỉnh có 81/98 xã có trung tâm văn hóa thể thao (TTVHTT) xã (6 xã thuộc huyện Ba Chẽ đang hoàn thiện trình thành lập TTVH), trong đó có 52/81 xã có Nhà văn hóa, 79/81 xã có trung tâm thể thao như nhà luyện tập và thi đấu, sân bóng đá, sân cầu lông, bóng chuyền, bể bơi...một số huyện quan tâm đầu tư dụng cụ thể thao ngoài trời như Vân Đồn, Tiên Yên, Đông Triều, Quảng Yên, Móng Cái... Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn: Toàn tỉnh có 726/727 thôn có Nhà văn hóa (thôn Trần, xã Thanh Lân, huyện Cô tô chưa có Nhà văn hóa); trong đó có 468/726 Nhà văn hóa có Khu thể thao, 112/726 Nhà Văn hóa thôn đã lắp các dụng cụ thể dục thể thao đơn giản như xà đơn, xà kép, du quay, cầu lông, bóng bàn.
Phần lớn các thiết chế văn hóa - thể thao trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, nhất là trong công tác tuyên truyền cổ động trực quan; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thi đấu thể dục thể thao rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, với nhiều nội dung, loại hình phong phú, đa dạng góp phần nâng cao mức sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, việc đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Hiện nay, vẫn có 17 xã thiếu TTVHTT xã; có 50/81 (tỷ lệ 64%) TTVHTT cơ bản đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, 36% TTVHTT chưa đạt chuẩn theo quy định (chưa xây được Nhà Văn hóa hoặc hội trường đa năng). 34% Trung tâm Văn hóa Thể thao chưa được đầu tư trang thiết bị hoạt động, dụng cụ luyện tập thể dục thể thao ngoài trời, trang thiết bị vui chơi trẻ em, thư viện, phòng đọc sách chưa có, chủ yếu là tủ sách pháp luật. Vì vậy còn hạn chế trong việc tổ chức hoạt động văn hóa thể thao cho nhân dân.
Đối với Nhà Văn hóa - Khu thể thao thôn, hiện trên địa bàn tỉnh còn 1 thôn khu chưa có Nhà Văn hóa (thôn Trần, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô), 35,5% thôn không có Khu thể thao, sân tập thể thao đơn giản. Phần lớn trang thiết bị âm thanh, loa máy đã cũ và hỏng cần phải được đầu tư mới, thiếu dụng cụ tập luyện thể dục thể thao dẫn đến chưa phát huy hiệu quả hoạt động tại Nhà Văn hóa - Khu thể thao.
Bên cạnh đó, các TTVHTT xã, Nhà Văn hóa - Khu thể thao thôn cũng thiếu kinh phí hoạt động thường xuyên, Ban Chủ nhiệm Trung tâm VHTT xã và Nhà văn hóa thôn - Khu thể thao chưa có chế độ đãi ngộ. Trong đó, các TTVHTT xã hiện chưa có kinh phí hoạt động. Các Nhà Văn hóa - Khu thể thao thôn được hỗ trợ kinh phí theo Nghị quyết số 207/2019/NQ-HĐND, ngày 30/7/2019 của HĐND tỉnh về quy định số lượng, chức danh, một số chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung chi tổ chức hoạt động tại Nhà Văn hóa thôn và hoạt động Mừng Đảng - Mừng Xuân. Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương và khảo sát thực tế qua các đồng chí trưởng thôn, phần lớn Nhà Văn hóa thôn tại các địa phương được trích từ nguồn kinh phí trong Nghị quyết số 207/2019/NQ-HĐND, tùy từng năm, do khoán về các thôn tự chi, riêng đối với các hoạt động tại Nhà văn hóa là từ 05 - 10 triệu/năm, có nơi từ 15 - 20 triệu/năm như Cẩm Phả, Quảng Yên (gồm cả sửa chữa, mua sắm trang thiết bị) trong đó có 5 triệu đồng chi cho hoạt động Mừng Đảng - Mừng Xuân, số tiền còn lại là hoạt động cho cả năm tại Nhà Văn hóa. Như vậy với số tiền từ 2 - 5 triệu đồng chỉ tổ chức được một hoạt động là đã hết kinh phí, dẫn đến công tác tổ chức hoạt động còn hạn chế, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn, khi đời sống nhân dân chưa được đảm bảo thì công tác huy động xã hội hóa chưa được cao.
Thực tế cho thấy, công tác huy động nguồn kinh phí từ nguồn xã hội hóa cho các hoạt động văn hóa thể thao còn thấp đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số khi đời sống kinh tế còn khó khăn. Các hoạt động tại thiết chế văn hóa thể thao cấp xã và thôn chủ yếu từ nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước dẫn đến việc tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao chưa thường xuyên. Nội dung hoạt động còn nghèo nàn, chưa thường xuyên, chưa phát huy hiệu quả công năng sử dụng sau đầu tư. Thiết chế văn hóa thể thao xã và thôn chủ yếu là để hội họp; bình quân hàng năm tổ chức từ 2 - 8 hoạt động văn hóa, thể thao. Các hoạt động văn hóa thể thao chưa được sôi nổi và chưa thường xuyên, chủ yếu tập trung vào các ngày lễ, tết. Nội dung hoạt động chưa phong phú, chưa đa dạng, chưa thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Hệ thống tăng âm loa máy chỉ dùng để phục vụ hội nghị, không đáp ứng được các buổi giao lưu, biểu diễn văn nghệ,…do đó việc tổ chức các hoạt động phong trào gặp nhiều khó khăn.
Để tháo gỡ những khó khăn, bất cập này, hiện tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng Nghị quyết của HĐND về một số chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động tại hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đưa ra những chính sách hỗ trợ cụ thể để phát huy hiệu quả hoạt động tại thiết chế văn hóa thể thao xã và thôn; khích lệ, động viên những người làm công tác kiêm nhiệm quản lý thiết chế văn hóa thể thao cơ sở làm tốt công tác quản lý và tổ chức hoạt động hiệu quả tại thiết chế văn hóa, thể thao. Đồng thời, duy trì và nâng cao hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, học tập cộng đồng, vui chơi giải trí từ tỉnh đến cơ ở ngày càng phong phú, đa dạng; góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ, đáp ứng đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, thu hẹp khoảng cách vùng miền về văn hóa thể thao trên địa bàn tỉnh; đưa văn hóa thấm sâu vào mọi mặt trong đời sống xã hội, thực sự trở thành nền tảng tinh thần, là mục tiêu, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Từ đó, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền.
Nguồn Báo Quảng Ninh
Tin tức khác
- Nâng mức hỗ trợ người có công tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh nâng mức tặng quà cho người có công với cách mạng
- Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
- Lần đầu tiên mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng 35,7%
- Theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng.