Mọi người dân đều được hưởng thành quả phát triển

Trên chặng đường đổi mới, Quảng Ninh đã khẳng được vai trò, vị thế là cực tăng trưởng, trung tâm đổi mới, sáng tạo của khu vực và cả nước. Để người dân trong tỉnh được hưởng thành quả phát triển bao trùm, Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực cho công tác an sinh xã hội, gỡ bỏ những “nút thắt” trong phát triển KT-XH khu vực miền núi, hải đảo vốn nhiều khó khăn.

Gỡ “nút thắt” giao thông

Quảng Ninh có diện tích tự nhiên rộng, nhưng có đến hơn 70% đất đai là đồi núi. So trong mặt bằng chung của tỉnh, nhiều địa phương vẫn còn khó khăn, hạ tầng cơ sở đơn giản, giao thông kết nối các thôn, bản chủ yếu là đường cứng hóa theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên cơ sở Nhà nước và nhân dân cùng làm dựa trên trục đường hiện có, chưa mang tính đột phá trong rút ngắn thời gian, kéo gần khoảng cách vùng miền; cơ sở giáo dục, y tế còn bộc lộ nhiều bất cập...

Điều này khiến tiềm năng kinh tế, du lịch, dịch vụ nhiều năm trước chưa khai thác hiệu quả, kinh tế địa phương chưa bắt kịp miền xuôi, chênh lệch vùng miền còn lớn.

Với chủ trương mọi người dân Quảng Ninh được thụ hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đặt mục tiêu “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh”. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách riêng có về an sinh, phúc lợi xã hội, đặc biệt là Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Tỉnh ủy về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Đây được coi là động lực chính cho cuộc cách mạng về hạ tầng ở vùng khó.

Sau hơn 2 năm, đã có gần 1.000 dự án, công trình được đầu tư bằng chương trình tổng thể hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, với tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng từ ngân sách và nguồn huy động hợp pháp khác. Trong đó, có hơn 100 công trình đầu tư hạ tầng thiết yếu do ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư, từng bước làm thay đổi căn bản diện mạo, đời sống nhân dân khu vực vùng khó của tỉnh.

Đáng chú ý, các công trình động lực dù đã và đang triển khai đầu tư, nhưng hiệu quả đã nhanh chóng thấy rõ. Điển hình là các công trình hạ tầng giao thông kết nối như tuyến đường nối từ xã Đại Dực đến xã Đại Thành (cũ) ở huyện Tiên Yên đã giúp rút ngắn thời gian và quãng đường đi lại giữa 2 khu vực từ 40km còn hơn 7km, là tiền đề quan trọng để 2 xã sáp nhập đơn vị hành chính trở thành xã Đại Dực mới theo tinh thần Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Hay tuyến đường du lịch nối thác Khe Vằn và Húc Động - Cao Ly - Khe Tiền - Sông Moóc A, Sông Moóc B - đỉnh Cao Ba Lanh của huyện Bình Liêu đã tạo thành chuỗi liên thông các điểm du lịch đặc sắc. Dự án nâng cấp chống ngập lụt tại tỉnh lộ 330 trên địa bàn huyện Ba Chẽ nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng gián đoạn giao thông từ xã Đồn Đạc đi xã Đạp Thanh trong mùa mưa lũ; đường nối từ Sơn Dương đến Đồng Lâm, Đồng Sơn giúp người dân các xã khu vực vùng cao của TP Hạ Long phát huy kinh tế địa phương, tạo việc làm ổn định, nâng cao chất lượng đời sống...

Đối với hạ tầng về giáo dục, y tế cũng được đổi mới toàn diện bằng các dự án đầu tư mới, gắn với mục tiêu chiến lược của tỉnh. Trong đó ngành giáo dục phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện có một trường học công lập theo tiêu chí chất lượng cao ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông; mỗi thành phố, thị xã có một trường THPT công lập theo tiêu chí chất lượng cao. Ngành y tế tập trung sửa chữa chống xuống cấp cơ sở vật chất cho 116 trạm y tế; chuẩn bị xây mới 35 trạm y tế xã, phường, thị trấn, bổ sung các trang thiết bị còn thiếu và cần thiết để đảm bảo hoạt động chuyên môn với mục tiêu nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng và y tế điều trị, đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn 2021-2025.

Đối với hạ tầng viễn thông, điện, nước sạch và các công trình thiết chế văn hóa cũng đang được triển khai mạnh mẽ tại vùng khó với tiến độ và mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân, từng bước cởi bỏ “nút thắt” trong phát triển, tạo diện mạo mới cho khu vực vùng khó.

Người dân hưởng các tiêu chí "hạnh phúc"

Đến xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) sau khi tuyến đường nối từ xã Đại Dực đến xã Đại Thành (cũ) được đưa vào khai thác, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực Hoàng Việt Tùng cho biết: Có giao thông, đường mới, bà con trong vùng mừng lắm. Trước khi sáp nhập, Đại Dực - Đại Thành (cũ) dù cạnh nhau, nhưng để đến trung tâm xã phải di chuyển quãng đường khoảng 40km, phải mất gần 1 tiếng đồng hồ, đường rất xấu, nhỏ hẹp, xuống cấp, bụi vào ngày nắng và trơn lầy vào ngày mưa. Nay người dân chỉ mất 10 phút để di chuyển khi tuyến đường kết nối mới giờ chỉ còn 7km, nối thẳng đến QL18C. Có đường mới, mọi việc đều thuận lợi, nhất là việc vận chuyển, trao đổi hàng hoá của người dân nhanh, tiện hơn, nông sản làm ra được thương lái đến tận nơi thu mua, bà con không còn phải lo mang đi bán nữa. Điều đáng mừng, người dân trong xã có thêm nhiều ý tưởng phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng địa phương, các điểm du lịch cũng đã bắt đầu hình thành, thu hút đông du khách, tăng thu nhập, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.

Chị Đặng Thị Lầu (người dân xã Đại Dực, huyện Tiên Yên) cho biết: Có đường mới đến trung tâm xã tiện và nhanh hơn, vì thế ngày nào cũng có khách du lịch đặt ăn, khách tận Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trong cả nước tìm đến gia đình tôi để đăng ký dịch vụ trải nghiệm ngắm suối thiên nhiên và thưởng thức món gà Tiên Yên. Dịp cuối tuần, 5 căn chòi gỗ dựng bên mép suối của gia đình luôn kín chỗ, chúng tôi phải huy động thêm bà con trong xã đến phụ giúp. Đường mới đã đem lại cho người dân có điều kiện tăng thêm thu nhập, đời sống được cải thiện và nâng cao. Nhiều bà con trong xã cũng đang tìm hiểu, mở rộng thêm nhiều sản phẩm thăm quan độc đáo như tắm suối, khám phá nhà cổ, hoạt động tìm hiểu cuộc sống của người DTTS ngay tại xã...

Không chỉ ở Đại Dực, tại các địa bàn vùng khó trong tỉnh cũng có sự thay đổi từng ngày. Giao thông, hạ tầng cơ sở phát triển thúc đẩy sự giao lưu giữa các địa phương, từ đó giúp phá được thế bị "cô lập", "tự cung tự cấp" của nền kinh tế miền núi trước đây. Giao thông tốt, giúp việc khai thác, phát triển sản phẩm cũng tốt hơn, giá thành và chất lượng hàng hoá được cải thiện khi cung đường vận chuyển ngắn lại, thuận lợi, làm thay đổi nhận thức, thói quen của người dân miền núi.

Với cách làm này, chắc chắn chỉ thời gian ngắn nữa, không chỉ các khu đô thị trung tâm, mà ngay cả các xã vùng cao, vùng sâu của Quảng Ninh cũng sẽ sở hữu hạ tầng đồng bộ, kết nối trực tiếp, nhanh hơn đến các trục đường chính, trọng điểm trong phát triển kinh tế của tỉnh. Qua đó, đáp ứng được yêu cầu kết nối liên thông, tổng thể, hình thành được mạng lưới giao thông thông suốt, thuận lợi không chỉ nội huyện và liên huyện mà còn kết nối với hạ tầng giao thông động lực của tỉnh.

Từ đó, mở rộng không gian, tạo ra các điều kiện phát triển mới, biến tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương thành nguồn tổng lực chung cho tỉnh; phục vụ phát triển sản xuất, tăng điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thu hút đầu tư, phát triển du lịch, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, người dân được hưởng các tiêu chí của "hạnh phúc", khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền từng bước được rút ngắn, mọi người dân đều hưởng thành quả phát triển của tỉnh.

Nguồn Báo Quảng Ninh

 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 193