Minh bạch, hiện đại trong giải quyết thủ tục hành chính
Quảng Ninh luôn quan tâm, chú trọng thực hiện công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách TTHC được tỉnh thực hiện một cách quyết liệt với nhiều cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả rõ rệt, được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao.
Khắc phục những hạn chế của mô hình “một cửa liên thông”, năm 2012 tỉnh phê duyệt và triển khai Đề án xây dựng chính quyền điện tử, trong đó có mô hình trung tâm hành chính công các cấp. Sau một thời gian triển khai, mô hình đã thực sự là bước đột phá về cải cách hành chính và hiện đại hóa nền hành chính, được Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đánh giá cao, được nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp ghi nhận, đồng tình ủng hộ.
Đến nay các TTHC đưa vào trung tâm hành chính công các cấp đã cắt giảm được 45-60% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính so với quy định của Trung ương; đặc biệt, một số thủ tục cắt giảm trên 70% thời gian, như lĩnh vực chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư... nên đã tạo sự thuận lợi, tiết kiệm rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp và người dân.
Xác định rõ cải cách hành chính tiếp tục là một trong 3 đột phá chiến lược; từ năm 2019 tỉnh chỉ đạo các sở, ngành triển khai con dấu thứ 2 tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, quy trình 4 bước tại chỗ được nâng lên thành 5 bước tại chỗ (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu, trả kết quả tại trung tâm), tạo sự thuận lợi, nhanh chóng cho doanh nghiệp, người dân đến giao dịch; đưa hoạt động giải quyết TTHC tại trung tâm ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, phát huy được giá trị của các quyết định ủy quyền.
Với quan điểm cải cách hành chính chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai quyết liệt trong giải quyết TTHC. Năm 2016 hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến tập trung của tỉnh được xây dựng. Qua đó, giúp minh bạch hóa quá trình giải quyết TTHC của cơ quan quản lý nhà nước cho người dân, doanh nghiệp.
Quảng Ninh là một trong những địa phương thí điểm giải quyết TTHC qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Với sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, người dân đã thấy được sự ưu việt mà Cổng dịch vụ công quốc gia mang lại.
Đến nay tỉnh đã cung cấp hoàn chỉnh và hiệu quả dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Đây không chỉ tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, mà còn được xem là một trong những khâu quan trọng trong việc xây dựng Chính quyền số. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành cung cấp 1.366 TTHC (đạt 100%) trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, trong đó có 902 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 72,5%).
7 tháng năm 2023, số hồ sơ dịch vụ công được tiếp nhận và giải quyết tính riêng trên Cổng dịch vụ công của tỉnh là 27.577 hồ sơ (đạt 98,3%); số hồ sơ dịch vụ công trên cả Cổng dịch vụ công của tỉnh và các phần mềm chuyên ngành là 61.450 hồ sơ (đạt 68,4%); số hồ sơ dịch vụ công tính riêng trên cổng dịch vụ công cấp huyện là 83.930 hồ sơ (đạt 92,9%); số hồ sơ dịch vụ công trên cả cổng dịch vụ công cấp huyện và các phần mềm chuyên ngành là 192.930 hồ sơ (đạt 56,3%), cấp xã là 149.590 hồ sơ (đạt 94,3%).
Hiện trung tâm hành chính các cấp đang phối hợp với các đơn vị nhà mạng triển khai chữ ký số miễn phí cho người dân khi giao dịch TTHC. Khi công dân sử dụng chữ ký số có thể thực hiện các giao dịch giải quyết TTHC mọi lúc, mọi nơi; khai thác các kết quả giải quyết TTHC được lưu trong kho lưu trữ điện tử và trích xuất dữ liệu để tái sử dụng trong quá trình giải quyết TTHC.
Có thể nói, 60 năm qua, Quảng Ninh đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt 10 năm gần đây tỉnh tập trung tạo đột phá trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Điều này được thể hiện qua 6 năm liên tiếp (2017-2022) Quảng Ninh đứng thứ nhất về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) dẫn đầu toàn quốc trong 5 năm (2017, 2018, 2019, 2020, 2022); 4 năm liên tiếp (2019-2022) xếp thứ nhất trong bảng Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); năm 2022 trở lại đứng thứ nhất trên bảng xếp hạng PAPI toàn quốc, đây là lần thứ 2 Quảng Ninh đứng ở vị trí cao nhất trong 12 năm tham gia khảo sát PAPI. Từ đó, tạo chuyển biến căn bản, thúc đẩy có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, thu hút được nguồn lực ngoài ngân sách lớn - nguồn động lực có tính đột phá mạnh mẽ cho đầu tư phát triển của Quảng Ninh.
Nguồn Báo Quảng Ninh
Tin tức khác
- Nâng mức hỗ trợ người có công tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh nâng mức tặng quà cho người có công với cách mạng
- Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
- Lần đầu tiên mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng 35,7%
- Theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng.