Mất hàng chục triệu đồng vì chiêu lừa online trước Tết
Chưa đầy hai ngày tham gia làm 'cộng tác viên' để kiếm thêm thu nhập trước Tết, Liên bị lừa hơn 90 triệu đồng.
Kim Liên (Hà Nội) cho biết cô bắt gặp quảng cáo làm thêm qua một bài viết trên Facebook hôm 3/1. Đúng dịp sắp Tết, cần thêm thu nhập cho gia đình, cô đăng ký làm cộng tác viên, với công việc được giới thiệu là "nhập liệu".
"Họ giới thiệu là tổ chức giáo dục đang cần người nhập liệu, nhưng thực tế là làm nhiệm vụ, bằng cách bỏ tiền vào tài khoản trên một website để đầu tư", Liên kể. Thấy số tiền cần bỏ ra trong khả năng, cô vẫn làm theo với hai lần đầu nạp lần lượt 100 nghìn đồng và một triệu đồng. Cô được trả lợi nhuận 300 nghìn đồng, nhưng thiếu vài chục nghìn và được hứa hẹn trả bù vào lần đầu tư sau.
Tuy nhiên, chuỗi thời gian bị lừa của Liên bắt đầu. Cô được đề nghị đầu tư gói lớn hơn, tối thiểu 8 triệu đồng. Sau khi nạp, hệ thống liên tục đưa ra các phần thưởng, với tổng số tiền hơn 40 triệu đồng vào tài khoản trên web đầu tư. Tuy nhiên để nhận thưởng, cô phải nạp số tiền tương ứng trước ngày 5/1 "để kích hoạt thưởng và lấy toàn bộ tiền về". Dù đã cảnh giác, nhưng sau nhiều lần vừa bị dụ dỗ, vừa bị dọa có thể mất tài khoản, cô vẫn nạp hai lần theo yêu cầu, với tổng số tiền hơn 90 triệu đồng.
May mắn hơn Liên, nhưng Phạm Thương, sinh viên tại TP HCM, cũng sống trong những ngày lo lắng vì những cuộc gọi đề nghị vay tiền liên tiếp từ trên mạng. Thương cho biết sự việc diễn ra đầu tháng 1, khi cô nhận được lời mời của dịch vụ hỗ trợ rút tiền. Đúng lúc cần tiền đóng học và chi tiêu cho Tết, cô làm theo hướng dẫn của người gọi điện và được yêu cầu truy cập một website giống với trang của một dịch vụ tài chính, sau đó điền các thông tin, trong đó có số điện thoại. "Dù kịp nhận ra nguy cơ lừa đảo và không nhập các thông tin cá nhân nhạy cảm, có thể họ đã biết tôi có nhu cầu về tiền và liên tục tiếp cận những ngày gần đây", Thương kể.
Lừa đảo làm cộng tác viên, lừa rút tiền lãi suất thấp là hai trong những chiêu lừa nở rộ trong thời gian qua. Từ cuối tháng 12, Bộ Công an đã gửi tin nhắn cảnh báo đến người dân, trong đó có ba thủ đoạn chính được nhắc đến gồm: lừa tuyển cộng tác viên, lừa đảo mạo danh tổ chức, hoặc lừa đảo mạo danh các cơ quan thực thi pháp luật. Trong cả ba trường hợp, kịch bản chung là người dùng sẽ phải nộp tiền vào các dịch vụ với số tiền tăng dần, hoặc cung cấp thông tin số tài khoản, thông tin cá nhân cho kẻ gian.
Bùng nổ tên miền lừa đảo
Trong các chiêu lừa đảo trên, phương thức chung là kẻ gian sẽ gọi điện hoặc nhắn tin dụ người dùng kết bạn trên các nền tảng chat như Zalo, Telegram... sau đó yêu cầu truy cập một website do các nhóm này tạo ra. Một phương thức khác là gửi tin nhắn trực tiếp đề nghị họ truy cập các website, thường dùng trong lừa đảo mạo danh tổ chức tài chính, ngân hàng. Theo các chuyên gia, điểm chung của hầu hết phương thức lừa đảo trên đều nhằm dụ người dùng đến một website hoặc cài ứng dụng nào đó.
Theo ghi nhận của công ty bảo mật CyRadar, trong tháng 12/2022, có hơn 1,6 triệu tên miền độc hại xuất hiện, tăng 10% so với các tháng trước. Riêng tại Việt Nam, các chuyên gia đánh giá chiến dịch lừa đảo dịp cuối năm chủ yếu xoay quay các kịch bản nhắm vào hành vi dịp lễ Tết: mạo danh cho vay, các chương trình khuyến mãi mua sắm trực tuyến, quà tặng.
"Trước Tết thường là giai đoạn nhiều người gặp khó khăn cần tiền để chi tiêu. Kẻ gian lợi dụng tâm lý này để đưa ra những đề nghị hấp dẫn. Tuy nhiên nếu không cảnh giác, nạn nhân có thể mất nốt những gì đang có" ông Nguyễn Minh Đức, nhà sáng lập CyRadar, nói.
Ông Ngô Minh Hiếu, nhà sáng lập dự án Chống Lừa Đảo, cho biết gần đây, tên miền lừa đảo "mọc lên như nấm". Lấy ví dụ với chiêu mạo danh một dịch vụ tài chính có tiếng tại Việt Nam, chỉ riêng trong ngày 8/1, hệ thống đã rà quét đã phát hiện gần 30 tên miền giả mạo dịch vụ này, chưa tính các báo cáo từ người dùng hay chuyên gia bảo mật.
Tính chung từ tháng 12/2022 đến hết ngày 4/1/2023, dự án phát hiện 995 trang được tạo ra nhằm lừa chiếm đoạt tài sản, 482 trang lừa đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng, ví điện tử, thông tin thẻ tín dụng. Nhà sáng lập Chống lừa đảo cho biết, chỉ riêng trong tuần đầu năm, nhiều người dùng đã phản ánh đến dự án về việc bị lừa từ vài triệu đến hơn 400 triệu đồng vì những chiêu trò trên.
Theo ông Hiếu, hầu hết các chiêu lừa không mới. Ví dụ trò mạo danh các dịch vụ tài chính, tín dụng thường nhắm tới việc dụ người dùng cung cấp thông tin thẻ ngân hàng, mật khẩu; trò mạo danh cơ quan thực thi pháp luật nhằm dụ người dùng cung cấp thông tin cá nhân, cài ứng dụng gián điệp hoặc chuyển tiền. Tuy nhiên, kẻ gian lợi dụng nhu cầu từ người dùng gia tăng, đồng thời thay đổi các kịch bản liên quan đến dịp gần Tết để thu hút nạn nhân, khiến những người "dù cảnh giác vẫn có thể bị lừa".
Theo khuyến cáo qua tin nhắn của Bộ Công an, người dân cần cảnh giác không tham gia hoạt động như làm cộng tác viên online nhưng phải nộp tiền tạm ứng, đăng nhập thông tin vào trang mạng không chính thức. Các chuyên gia bảo mật khuyến nghị người dùng có thể cài các tiện ích giúp phát hiện tên miền lừa đảo trên trên điện thoại hoặc trình duyệt.
Theo Vnexpress
Tin tức khác
- Nâng mức hỗ trợ người có công tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh nâng mức tặng quà cho người có công với cách mạng
- Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
- Lần đầu tiên mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng 35,7%
- Theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng.