Lừa đảo chuyển tiền cấp cứu: Lỗ hổng an toàn thông tin trong trường học
Nhiều phụ huynh có thói quen chụp ảnh phần thưởng, giấy khen của con để khoe trên mạng xã hội nên đã vô tình để lộ thông tin của con; đồng thời phụ huynh còn không nắm thông tin, không đọc thông tin cảnh báo trên các phương tiện thông tin, mạng xã hội... là những kẻ hở cho các đối tượng lừa đảo.
Nhận định trên được đưa ra tại buổi tọa đàm “Lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh mạng trong trường học”, được tổ chức ngày 17/3, tại TP Hồ Chí Minh.
Cùng một kịch bản nhưng phụ huynh vẫn bị lừa
Chiêu thức lừa đảo gọi điện thoại cho phụ huynh thông báo con em của học bị tai nạn nguy kịch và yêu cầu chuyển tiền đóng viện phí xuất hiện đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh vào đầu tháng 3, khiến nhiều phụ huynh “mắc bẫy”, trong đó có phụ huynh mất hàng trăm triệu đồng. Đến nay, vấn nạn lừa đảo này đã lan rộng ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng… Đáng lưu ý, dù các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo, nhưng vẫn có phụ huynh bị lừa.
Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác Xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ngay sau khi phát hiện thủ đoạn lừa đảo trên, bệnh viện đã cung cấp thông tin đến tất cả cơ quan truyền thông để cảnh báo, tránh nguy cơ bị lừa đảo. Nhưng đáng tiếc vẫn còn nhiều phụ huynh chưa tiếp nhận được thông tin cảnh báo trên, nên những ngày sau đó, vẫn có thêm những vụ tương tự.
Ông Lê Minh Hiển khẳng định, các bệnh viện không bao giờ thu tiền qua điện thoại. Quy trình đóng tiền tại bệnh viện rất rõ ràng, theo từng khâu cụ thể. Đứng trước bệnh nhân nguy kịch, bệnh viện luôn đặt phương châm “cứu người trước, tiền bạc tính sau”. Sau phẫu thuật, phòng Công tác xã hội sẽ là nơi tìm thân nhân hoặc lo viện phí cho những bệnh nhân nếu hoàn cảnh khó khăn.
Tại buổi tọa đàm, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10) cho biết, ngay khi xuất hiện chiêu trò lừa đảo, nhà trường đã thông báo khẩn để cảnh báo cho phụ huynh và học sinh. Thầy Phú phân tích thêm, các đối tượng lừa đảo thường tấn công vào tâm lý tình mẫu tử, rất dễ mất bình tĩnh; đặc biệt là nhóm gia đình có kinh tế khá, nhóm học sinh trường tư thục.
Ngoài ra, các đối tượng cũng nắm được vấn đề hiện nay là không ít bệnh viện đang thiếu thuốc, thiết bị điều trị cho bệnh nhân. Vì vậy, khi phụ huynh nghe tin con bị cấp cứu và bệnh viện thiếu thuốc, thiết bị để phẫu thuật đã rất hoảng hốt, không kịp suy nghĩ đã chuyển tiền.
“Có thể thấy rằng, những trường hợp bị lừa thường thiếu thông tin, hạn chế tiếp cận các tin tức trên báo chí, đây chính là kẽ hở cho các đối tượng lừa đảo. Bên cạnh giáo dục học sinh cách bảo vệ mình, phụ huynh cũng cần phải cập nhật thông tin, tránh tình trạng mất bò mới lo làm chuồng”, thầy Huỳnh Thanh Phú cảnh báo.
Cũng theo thầy Thanh Phú, khi nhận cuộc điện thoại tương tự như trên, phụ huynh cần phải hết sức bình tĩnh, gọi điện thoại đến trường để xác minh. Bên cạnh đó, cần chủ động kết nối video call để xem người gọi có quen hay không, từ đó nhận diện được mức độ chính xác của thông tin ban đầu.
Tương tự, thầy Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân cho biết, ngay khi nắm được thông tin về chiêu thức lừa đảo giả giáo viên gọi điện thông báo chuyển tiền phẫu thuật cấp cứu cho con, nhà trường đã thông tin tới các phụ huynh về hình thức lừa đảo trên các nhóm lớp. Đồng thời, nhà trường cũng nhấn mạnh với phụ huynh là tất cả mọi thông tin về học sinh đều cần trao đổi trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm.
“Nhà trường và phụ huynh phải phối hợp thật tốt thì sẽ hạn chế được vấn nạn lừa đảo trên. Khi tiếp nhận thông tin vụ việc, phụ huynh cần gọi cho giáo viên chủ nhiệm để xác minh con em mình có thật sự bị như vậy không. Bên cạnh đó, phụ huynh cần đặc biệt cảnh giác với những tin nhắn sai chính tả bởi giáo viên rất khó viết sai”, thầy Nguyễn Đình Độ nói.
80% cá nhân tự lộ thông tin
Theo Đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh, sau dịch COVID-19, tội phạm lừa đảo về công nghệ cao nhiều hơn. Mỗi ngày, Phòng cảnh sát hình sự tiếp nhận khoảng 20 - 30 đơn tố cáo, phản ảnh các vụ việc lừa đảo. Tuy nhiên, nóng nhất gần đây là hình thức lừa đảo dùng điện thoại để gọi cho phụ huynh thông tin con em bị tai nạn nhập viện để lừa đảo lấy tiền. Đáng nói, các đối tượng lừa đảo lấy danh học sinh, người thân, mượn danh cơ quan nhà nước, thậm chí giả danh cơ quan chức năng, giả danh giáo viên, bác sĩ... để thực hiện hành vi lừa đảo.
“Các đối tượng lừa đảo khai thác thông tin bằng nhiều cách khác nhau. Trong đó, 20% do các doanh nghiệp tự lộ thông tin và 80% do chính cá nhân đó tự lộ thông tin. Đặc biệt, thế hệ gen Z hiện nay đang làm lộ thông tin của mình bằng cách tham gia các mạng xã hội như TikTok…”, Đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh nhận định.
Chia sẻ về những kẽ hở để lộ thông tin, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena cho biết, học sinh sử dụng thiết bị công nghệ ngày càng nhiều nhưng chưa lường trước được các cạm bẫy là vấn đề đang tồn tại, bởi trẻ không lường được rủi ro, cạm bẫy trên không gian mạng.
Các trang mạng xã hội, TikTok hoặc trò chơi game... là nơi mà các nhóm chiếm đoạt thông tin để sử dụng phổ biến hiện nay. Có thể, phụ huynh không chơi game nhưng con cái sử dụng máy của họ để chơi game, tội phạm công nghệ sẽ tấn công chiếm đoạt dữ liệu, trong đó có cả tài khoản ngân hàng, số căn cước công dân...
Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến thông tin học sinh bị lộ là thói quen chia sẻ hình ảnh của con trên mạng xã hội, đó là nguy cơ cực kỳ lớn vì tội phạm sẵn sàng bỏ thời gian dài để nghiên cứu kỹ đối tượng để lừa đảo. Thầy Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân nói: “Nhiều phụ huynh chụp giấy khen của con đưa lên các trang mạng xã hội như vậy đã vô tình để lộ thông tin về trường lớp của con”.
Thầy Nguyễn Đình Độ khẳng định, nhà trường rất coi trọng vấn đề bảo mật thông tin của học sinh, chỉ duy nhất một người phụ trách về công nghệ thông tin của trường được nhập và lấy thông tin của học sinh. Nhân viên này cũng thường xuyên được nhà trường chia sẻ về tính chất quan trọng của công việc phụ trách.
Tin tức khác
- Nâng mức hỗ trợ người có công tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh nâng mức tặng quà cho người có công với cách mạng
- Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
- Lần đầu tiên mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng 35,7%
- Theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng.