"Lá chắn" bảo vệ sức khoẻ trẻ em

Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 1985. Trải qua 38 năm duy trì và mở rộng cả về quy mô và số lượng vắc-xin tiêm chủng, hiệu quả của chương trình đã góp phần tạo "lá chắn" bảo vệ sức khỏe trẻ em, nâng cao chất lượng dân số.

gia đình đưa trẻ đến tiêm chủng vắc-xin miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tùy vào số lượng trẻ trong độ tuổi tiêm chủng trên địa bàn, các trạm y tế sẽ bố trí lịch tiêm chủng và thông báo đến các bậc phụ huynh để đưa con đi tiêm các mũi vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch.

Chị Trần Thị Trinh đưa con đi tiêm vắc-xin DPT phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván tại Trạm Y tế phường Hà Tu (TP Hạ Long), chia sẻ: “Hiện giờ dịch bệnh rất nhiều, tiêm chủng cho trẻ rất quan trọng, đặc biệt các vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng là hoàn toàn miễn phí, nên tất cả mọi người, nhất là những người eo hẹp về kinh tế, cũng có thể đưa trẻ đến tiêm để phòng bệnh cho con”.

Ông Đoàn Văn Thụ (phường Hoành Bồ, TP Hạ Long) hiểu rõ về lợi ích của tiêm chủng vắc-xin phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bởi gia đình ông đã từng mất đi người thân vì căn bệnh sởi quái ác. Ông cho biết: “Ngày xưa chưa được tiêm vắc-xin, em gái tôi mới lên 4 tuổi đã bị mắc bệnh sởi, không qua khỏi. Bây giờ y tế phát triển, trẻ em đều được tiêm vắc-xin miễn phí để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm. Các con mà bận là tôi lại nhận nhiệm vụ đưa cháu đi tiêm, để không bị nhỡ lịch tiêm theo hướng dẫn của cán bộ trạm y tế”.

Trước đây, trẻ em được tiêm chủng phòng 7 loại bệnh miễn phí. Đến nay khi chương trình tiêm chủng mở rộng được mở rộng cả về quy mô và số lượng tiêm chủng, trẻ được tiêm vắc-xin phòng 12 bệnh truyền nhiễm phổ biến: Viêm gan B, bạch hầu, lao, bại liệt, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ do Hib, Rubella, sởi, viêm não Nhật Bản, vắc-xin phòng bệnh tả, thương hàn ở các vùng có nguy cơ cao.

Chị Nguyễn Thị Tú Uyên, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Trưng Vương (TP Uông Bí), cho biết: “Các gia đình đều rất quan tâm đến tiêm phòng vắc-xin cho trẻ. Qua công tác truyền thông về sự nguy hiểm của các dịch bệnh truyền nhiễm và gần đây nhất là đại dịch Covid-19 đã tạo cho người dân quan tâm hơn nữa đến công tác phòng bệnh, đặc biệt là tiêm chủng. Ngoài tiêm chủng đầy đủ cho trẻ các loại vắc-xin có trong chương trình tiêm chủng mở rộng, các gia đình còn cho trẻ đi tiêm các loại vắc-xin dịch vụ phòng các bệnh truyền nhiễm khác như thủy đậu, quai bị, tiêu chảy do Rotavirus, viêm phổi, viêm màng não, cúm…”.

Trong 38 năm qua, chương trình tiêm chủng mở rộng ở nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, chứng minh hiệu quả trong dự phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như: Thanh toán bệnh bại liệt polio năm 2000; loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh năm 2005; khống chế bệnh sởi, viêm gan B, bạch hầu, ho gà.  Đã dự phòng cho hàng chục triệu trẻ em không bị mắc 5 bệnh truyền nhiễm (uốn ván sơ sinh, sởi, bạch hầu, ho gà, bại liệt); giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do nhiều loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; giảm tình trạng tàn tật hay mất khả năng lao động do bệnh tật gây ra. Qua đó tạo điều kiện để trẻ phát triển thể chất và trí não bình thường, góp phần bảo vệ và phát triển nguồn nhân lực cho xã hội.

Tại Quảng Ninh, những năm qua công tác tiêm chủng mở rộng luôn được các địa phương quan tâm, được các cơ quan chuyên môn trung ương (Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương...) tạo điều kiện; đặc biệt luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của Sở Y tế và sự phối, kết hợp của các sở, ban, ngành trong triển khai tất cả các hoạt động tiêm chủng. Kết quả tiêm chủng đầy đủ hằng năm đạt trên 95%, tiêm vắc-xin VGB sơ sinh đạt trên 85%, phụ nữ có thai đạt trên 85%. Công tác triển khai chiến dịch tiêm/uống bổ sung vắc-xin hàng năm được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng.

Nguồn Báo Quảng Ninh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 83