Không ngừng nâng cao các chỉ số cải cách hành chính
Trong tiến trình phát triển của tỉnh, công tác cải cách hành chính (CCHC) luôn là 1 trong 3 đột phá chiến lược. Hòa cùng dòng chảy chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, công tác CCHC tiếp tục được tỉnh xác định là hành trình lâu dài trong chiến lược xây dựng và phát triển, với mục tiêu xây dựng một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ…
Phát huy những kết quả khả quan đã đạt được trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) giai đoạn trước, trong năm 2022 vừa qua, tỉnh xác định tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa nền hành chính, từ đó tạo ra sự đột phá trong nội dung cải cách quan trọng này. Đến nay, đã có 1.240 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh được hoàn thành tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 78%. Các dịch vụ công trực tuyến được thiết kế và thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, hướng đến sự tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.
UBND tỉnh cũng đã ban hành danh mục 1.095 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (không tính TTHC của các cơ quan ngành dọc Trung ương và doanh nghiệp), đạt tỷ lệ 80%. Với dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 5 bước giải quyết TTHC (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số, trả kết quả) đã được thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, giúp việc giải quyết TTHC của người dân, doanh nghiệp không còn bị phụ thuộc vào địa giới hành chính, thực sự mang lại lợi ích thiết thực cho tổ chức, công dân, đặc biệt là ở các khu vực xa trung tâm, vùng biên giới, hải đảo.
Năm 2022, toàn tỉnh đã tiếp nhận trên 500.000 hồ sơ TTHC trực tuyến, đạt tỷ lệ trên 65%; Quý I/2023, có hơn 54.000 hồ sơ TTHC được tiếp nhận và xử lý trực tuyến (đạt tỷ lệ trên 76%); tỷ lệ giải quyết đúng và trước hạn đạt trên 99%...
Đối với việc giải quyết TTHC tại trung tâm hành chính công các cấp, các sở, ban, ngành, địa phương đã tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thực hiện linh hoạt các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, nâng cao sự công khai minh bạch, thực sự phục vụ người dân, tổ chức. Quý I năm 2023, riêng tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh đã tiếp nhận gần 21.000 hồ sơ TTHC; giải quyết gần 19.500 hồ sơ, trong đó 19.400 hồ sơ đúng hạn và trước hạn, đạt tỷ lệ 99,8%. Trung tâm cũng đã hướng dẫn kê khai hồ sơ bằng các hình thức trực tuyến cho hơn 2.300 lượt công dân; cập nhật gần 6.000 kết quả giải quyết TTHC bản điện tử lên Cổng dịch vụ công của tỉnh; thu 1,6 tỷ đồng tiền phí, lệ phí giải quyết TTHC, trong đó thu qua các hình thức thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt là hơn 1,25 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 76,1%).
Với những nỗ lực để hướng đến hiệu quả thực tế, thực sự phục vụ người dân, doanh nghiệp, tỷ lệ đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, người dân trên địa bàn tỉnh đối với phục vụ cơ quan hành chính nhà nước trong năm 2022 và Quý I 2023 đạt trung bình trên 95%...
Cùng với các nội dung trọng tâm như cải cách TTHC, cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ và tài chính công, một trong những điểm mới trong công tác CCHC của tỉnh năm 2022 và những tháng đầu của năm 2023 là việc đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử, xây dựng chính quyền số.
Việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực đã và đang đóng vai trò tích cực phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, là nền tảng quan trọng để tỉnh xây dựng nền hành chính ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, đem lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy KT-XH trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Trong các nội dung, chỉ tiêu chính về mức độ Chính quyền điện tử tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc toàn trình cả 3 cấp của tỉnh đã đạt trên 80%. Trong đó, cấp xã đạt trên 70%, cấp huyện đạt trên 75%, cấp tỉnh đạt trên 85%. Tỉnh cũng đã thực hiện số hóa được trên 66% hồ sơ TTHC theo quy trình 5 bước, từ khâu tiếp nhận đến khâu trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp, là địa phương có tỷ lệ số hóa toàn trình cao nhất cả nước theo công cụ đánh giá tự động thời gian thực của Văn phòng Chính phủ trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đến nay, tỉnh cũng đã hoàn thiện việc kết nối Hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; khai thác được 20/20 trường thông tin do Bộ Công an cung cấp để hỗ trợ công tác giải quyết TTHC. Về Hạ tầng viễn thông, hiện số thuê bao băng rộng di động trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ 88,9 thuê bao/100 dân, cao hơn mức trung bình cả nước (gần 85 thuê bao/100 dân). Tỉnh cũng đã hoàn thành phủ lõm sóng thông tin di động tại 66/66 thôn; hoàn thành phủ lõm dịch vụ băng rộng cố định 97/113 thôn, bản… nâng tỷ lệ diện tích phủ sóng băng thông rộng (3G, 4G) trên địa bàn tỉnh lên 79%. Công tác an toàn thông tin mạng phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh được bảo đảm, trong Quý I/2023 không xảy ra sự số mất an toàn, an ninh thông tin...
Được biết, tới đây, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị công bố kết quả các bộ chỉ số: Cải cách hành chính (PAR Index); đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh (SIPAS), hiệu quả quản trị cấp huyện (DGI), mức độ Chính quyền điện tử (ICT)… năm 2022. Các bộ chỉ số cải cách này là những công cụ hữu hiệu đánh giá khách quan kết quả hoạt động của các sở, ngành, địa phương; giúp tỉnh đánh giá chất lượng và hiệu quả của công tác CCHC, sự hài lòng về sự phục vụ hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Thông qua kết quả của các bộ chỉ số, tỉnh sẽ tiếp tục nắm bắt được yêu cầu, mong muốn thực tế của người dân, tổ chức để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ, cung cấp dịch vụ công ngày càng hiệu quả hơn và tiếp tục tạo đột phá trong các chỉ số cải cách. Từ đó, ngày càng nâng cao sự hài lòng và đảm bảo lợi ích của người dân, tổ chức, góp phần nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển KT-XH của tỉnh…
Nguồn Báo Quảng Ninh
Tin tức khác
- Nâng mức hỗ trợ người có công tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh nâng mức tặng quà cho người có công với cách mạng
- Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
- Lần đầu tiên mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng 35,7%
- Theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng.