Hưởng ứng Ngày Nước thế giới 2023. Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước
Nguồn nước đang ngày càng khan hiếm, bị ô nhiễm là vấn đề đáng báo động. Trước thực trạng trên, Quảng Ninh đã và đang nỗ lực tìm giải pháp để quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nước sạch, bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.
Thực trạng
Theo thống kê của ngành chức năng, hiện tổng lượng tài nguyên nước mưa trên địa bàn tỉnh khoảng 11 tỷ m3/năm, tổng lượng nước mặt khoảng 7 tỷ m3/năm, trữ lượng tiềm năng nước dưới đất khoảng 1,5 triệu m3/ngày đêm.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 67 sông, suối nội tỉnh (6 sông, suối thuộc lưu vực sông lớn; 29 sông, suối thuộc lưu vực sông liên tỉnh độc lập...); 176 hồ chứa nước đang hoạt động hoặc đang đầu tư xây dựng (dự kiến đưa vào hoạt động trong giai đoạn 2022-2025) với tổng dung tích hữu ích khoảng 323,12 triệu m3, trong đó có 27 hồ chứa thực hiện cấp nước đa chức năng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, KCN, sinh hoạt, tổng dung tích hữu ích 257,43 triệu m3; tổng năng lực thiết kế tưới 25.355,5ha đất nông nghiệp, 1.500ha nuôi trồng thủy sản...
Theo đánh giá của ngành chức năng, nhu cầu nước cho trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản sẽ giảm dần; nhu cầu sử dụng nước cho các KCN, dịch vụ tăng lên. Dự báo nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn tỉnh tăng qua các năm, đến năm 2025 tăng gấp 1,4 lần so với hiện tại, đến năm 2030 tăng gấp 1,5 lần so với hiện tại. Nhu cầu sử dụng nước hiện tại là hơn 431 triệu m3; dự báo đến năm 2025 là trên 597 triệu m3, đến năm 2030 là 646 triệu m3.
Theo kết quả khảo sát của Sở TN&MT, tài nguyên nước của tỉnh hiện phân bố không đều; nước dưới đất ở một số nơi đang có dấu hiệu bị ô nhiễm, cần được tăng cường bảo vệ. Trước những tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu, một số địa phương sẽ đối mặt với tình trạng không cân đối được nguồn nước tại chỗ cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế những năm gần đây, tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Nỗ lực đảm bảo an ninh nguồn nước
Quảng Ninh đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ, khai thác sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Trong đó, tỉnh đã xây dựng Đề án "Đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030"; phạm vi thực hiện của Đề án sẽ là toàn bộ phần đất liền, các đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, đảo có dân sinh sống, đảo có thể phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Đề án tập trung thực hiện các nội dung: Đánh giá hiện trạng nguồn nước, hiện trạng quản lý các công trình hồ chứa nước; tính toán cân bằng nguồn nước đối với từng phân khu, phân vùng, để xác định nhu cầu sử dụng nước trong từng giai đoạn; tình trạng thừa, thiếu nước sau khi xây dựng bổ sung các công trình. Từ đó, đưa ra các nhóm nhiệm vụ gắn với các kịch bản phát triển, khai thác nguồn nước.
Đề án đánh giá cụ thể, chi tiết về tính hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội giữa đầu tư xây dựng hồ chứa mới với việc nâng cấp, cải tạo các hồ đã có; trong đó ưu tiên phương án tận dụng, sửa chữa, nâng cấp các công trình hiện có, tận dụng khai trường mỏ sau khai thác, cải tạo thành hồ chứa, cập nhật thêm đề án bảo vệ môi trường để có những giải pháp bảo vệ nguồn nước hiệu quả.
Trong đó, giai đoạn 2022-2025, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng mới nhiều hồ chứa nước. Cụ thể, khu vực phía Tây TP Hạ Long và TP Uông Bí, TX Quảng Yên dự kiến đầu tư nâng công suất Nhà máy nước Hoành Bồ thêm 10.000m3/ngày đêm, xây dựng tuyến ống hòa mạng với mạng lưới cấp nước của Nhà máy nước Đồng Ho; huyện Ba Chẽ sẽ đầu tư xây dựng hồ Khe Tâm, dung tích 1,2 triệu m3; huyện Hải Hà sẽ đầu tư xây dựng, nâng cấp hồ Tài Chi, dung tích 7 triệu m3, hồ Quảng Thành dung tích 5 triệu m3... Khu vực phía đông TP Hạ Long và TP Cẩm Phả đề xuất xây dựng nhà máy sản xuất nước sạch từ nguồn nước thải mỏ khu vực Cẩm Phả, tổng kinh phí dự kiến đầu tư xây mới các hồ khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, để bảo đảm an toàn và phát huy hiệu quả các công trình hiện có giai đoạn này, tỉnh sẽ sửa chữa, nâng cấp 37 hồ chứa, 36 đập dâng, 5 trạm bơm, tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng. Cùng với triển khai Đề án, tỉnh đang đẩy mạnh việc trồng rừng gỗ lớn, rừng đầu nguồn, nhằm bảo vệ an ninh nguồn nước, cũng như nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2023: - Tiết kiệm nước để bảo vệ hành tinh của chúng ta. - Bảo vệ tài nguyên nước là góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội. - Tiếp cận với nước an toàn là quyền bình đẳng của mỗi người. - Tiết kiệm nước phải là ưu tiên hàng đầu của chúng ta. - Tiết kiệm nước hôm nay là tiết kiệm nước cho tương lai. - Hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ để thúc đẩy những thay đổi lớn. |
Nguồn Báo Quảng Ninh
Tin tức khác
- Nâng mức hỗ trợ người có công tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh nâng mức tặng quà cho người có công với cách mạng
- Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
- Lần đầu tiên mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng 35,7%
- Theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng.