Hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh
Sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Nghị quyết 19), toàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ tốt môi trường sinh thái bền vững, thúc đẩy phát triển KT-XH.
Ba Chẽ là địa phương có diện tích rừng lớn nhất Quảng Ninh, chiếm trên 90% diện tích đất tự nhiên. Với mục tiêu đưa Ba Chẽ trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh, triển khai Nghị quyết 19, huyện Ba Chẽ đã ban hành các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế lâm nghiệp. Trong đó xây dựng Đề án phát triển rừng trồng gỗ lớn giai đoạn 2019-2025 với mục tiêu trước mắt đến năm 2025, huyện Ba Chẽ có vùng gỗ lớn ổn định với quy mô 5.000ha, đáp ứng nhu cầu gỗ lớn phục vụ chế biến sâu và phục vụ xuất khẩu.
Ông Khiếu Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, cho biết: Nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp được đưa vào nghị quyết đảng bộ từ cấp huyện đến cấp xã. Các cấp uỷ đều xác định rõ mục tiêu phát triển lâm nghiệp gắn với phát triển KT-XH tại địa phương. Trong đó chú trọng khuyến khích phát triển rừng cây gỗ lớn và cây dược liệu để nâng cao giá trị kinh tế, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần bảo vệ môi trường.
Để khắc phục tình trạng e ngại chu kỳ khai thác rừng gỗ lớn kéo dài nhiều năm, thời gian thu hồi vốn dài, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án trồng rừng gỗ lớn, dược liệu được thành lập tại tất cả các xã, phân công cấp ủy viên phụ trách thôn để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Qua đó, hỗ trợ nông dân và các chủ rừng, cơ quan chuyên môn của huyện ban hành hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng, trồng cây dược liệu theo quy trình kỹ thuật. Trong quá trình chuyển đổi trồng rừng sản xuất sang rừng gỗ lớn, Ba Chẽ cũng khuyến khích người dân lựa chọn loại cây dược liệu phù hợp điều kiện thổ nhưỡng và đặc biệt có thể trồng dưới tán rừng, chi phí đầu tư không lớn, mà đầu ra thuận lợi. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu “lấy ngắn nuôi dài” phát triển rừng gỗ lớn.
Hộ ông Nịnh Văn Năm (xã Thanh Sơn) trước đây trồng 8ha keo, chu kỳ khai thác 6-7 năm, nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao. Năm 2022, được xã vận động, tuyên truyền, 5/8ha keo vừa được khai thác của gia đình ông được chuyển sang trồng rừng gỗ lớn. Ông Năm cho biết: Tôi đưa lim và quế vào trồng. Ngoài việc được hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, gia đình tôi còn được hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống và vay vốn với mức lãi suất thấp. Hiện cây trồng của gia đình đều sinh trưởng, phát triển tốt.
Năm 2022, huyện Ba Chẽ trồng mới trên 3.500ha rừng, trong đó có hơn 500ha là cây gỗ lớn gồm: Lim, lát, giổi và trên 900ha cây bản địa. Điều này mở ra hướng phát triển lâm nghiệp của huyện một cách bền vững, đem lại lợi ích kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Để phục vụ cho chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, Quảng Ninh đã dành nguồn kinh phí trên 313 tỷ đồng đảm bảo nguồn lực đầu tư phát triển rừng gỗ lớn theo Nghị quyết 19. Năm 2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững được triển khai thí điểm tại TP Hạ Long và huyện Ba Chẽ. Với mức hỗ trợ 100% giống, người dân được vay vốn tín dụng mức lãi suất 6%/năm/chu kỳ trồng rừng gỗ lớn. Điều này đã tạo động lực lớn cho phát triển nghề rừng theo hướng bền vững, đem lại lợi ích kép, vừa có hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo vệ môi trường.
Từ các chính sách khuyến khích của tỉnh, đến nay Quảng Ninh có 896 chủ rừng được hỗ trợ 100% cây giống trồng trên diện tích 1.768ha với tổng số tiền hơn 21 tỷ đồng. Trong đó có 487 hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ vay vốn ưu đãi uỷ thác qua Ngân hàng CSXH với số tiền trên 17 tỷ đồng.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 19, tổng diện tích trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh đạt 38.451ha (tăng 3.158ha so với giai đoạn 2017-2019); trong đó trồng các loài cây: Lim, giổi, lát với diện tích 2.489ha. Riêng năm 2022, toàn tỉnh đã trồng gần 2.300ha; trồng mới và trồng bổ sung được trên 480ha rừng ngập mặn; trồng gần 2 triệu cây phân tán...
Chất lượng rừng được nâng lên, xã hội hoá nghề rừng được đẩy mạnh, nhất là việc thu hút nguồn lực đầu tư. Trong 3 năm qua, việc khai thác rừng trồng của tỉnh đạt 33.521ha, sản lượng gỗ khai thác đạt trên 2.000m3 (tăng 91% so với giai đoạn 2017-2019). Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành lâm nghiệp đạt 11,29%, vượt mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, các ngành và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của việc trồng rừng gỗ lớn. Từ đó chủ động chuyển hóa rừng gỗ nhỏ, chu kỳ ngắn sang trồng rừng gỗ lớn. Từng bước thay thế những cây trồng có hiệu quả kinh tế chưa cao, sang các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn.
Từ kết quả trên, Nghị quyết 19 của tỉnh đã từng bước tạo sự chuyển biến quan trọng về nhận thức trong đại bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo, về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững. Hướng đi này đang cho thấy hiệu quả tích cực trong việc bảo vệ, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên rừng. Qua đó, tạo sự hài hòa giữa phát triển KT-XH gắn với bảo vệ môi trường, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh của tỉnh.
Nguồn báo Quảng Ninh
Tin tức khác
- Nâng mức hỗ trợ người có công tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh nâng mức tặng quà cho người có công với cách mạng
- Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
- Lần đầu tiên mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng 35,7%
- Theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng.