Hạ Long tăng cường phòng chống tệ nạn xã hội

Thời gian qua, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội (TNXH) ở TP Hạ Long được quan tâm. Trên địa bàn không còn các điểm nóng và không phải là địa bàn trọng điểm về tệ nạn mại dâm, không hình thành các tụ điểm phức tạp về ma túy.

Bà Lê Thị Thảo, khu 4, phường Hà Trung, cho biết: “Trước kia, trên địa bàn phường vẫn có tình trạng đối tượng nghiện ma túy tụ tập ở những điểm vắng vẻ để chích hút. Đối tượng nghiện ma túy đi trộm cắp thường xuyên diễn ra. Nhưng vài năm gần đây, đối tượng nghiện ma túy giảm hẳn, khu phố cũng bình an hơn, an ninh trật tự được đảm bảo nên bà con rất yên tâm”.

Được biết, hàng năm, UBND TP Hạ Long đều ban hành kế hoạch về phòng, chống TNXH; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội. Riêng trong năm 2022, thành phố đã phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh tổ chức 2 lớp tập huấn nghiệp vụ cho 122 lãnh đạo UBND, công chức văn hóa - xã hội và cán bộ đoàn thể, cán bộ công an cấp xã; đồng thời phối hợp tổ chức tập huấn cho các thành viên của 6 đội công tác xã hội tình nguyện trên địa bàn về phòng, chống TNXH.

Nhân Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2022 (tháng 6), thành phố tổ chức lễ mít tinh, diễu hành hưởng ứng với sự tham gia của trên 500 đại biểu thuộc các phòng, ban, lực lượng vũ trang và nhân dân; cấp phát cho các xã, phường và người dân trên địa bàn gần 22.000 tờ rơi tuyên truyền Luật Phòng, chống ma túy; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; một số quy định của Luật phòng, chống ma túy…

Cùng với đó, năm 2022, TP Hạ Long đã thẩm định và gửi sang Tòa án nhân dân thành phố 85 hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa người vào cai nghiện ma túy bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh và Tòa án nhân dân thành phố đã ra quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc đối với 85 đối tượng này. Bên cạnh đó, các xã, phường trên địa bàn đã vận động đưa 65 đối tượng vào cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh. Hiện toàn thành phố có 550 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó 380 người đang sử dụng Methadone tại các cơ sở điều trị methadone trên địa bàn.

Để công tác phòng chống TNXH đạt hiệu quả cao, Hạ Long tiếp tục duy trì hoạt động của 3 CLB hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng (tại phường Bạch Đằng, Hồng Hà, Việt Hưng), 2 điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy và tái hòa nhập cộng đồng (tại phường Hùng Thắng và Hà Khánh) và 6 đội hoạt động công tác xã hội tình nguyện (tại các phường: Cao Thắng, Cao Xanh, Yết Kiêu, Hà Tu, Hà Khẩu và Việt Hưng). Các đội, câu lạc bộ này duy trì sinh hoạt 1 buổi/tháng, tập trung vào quản lý, tư vấn và tuyên truyền đến đối tượng trên địa bàn về tác hại của ma túy; động viên, hỗ trợ các đối tượng cai nghiện; giúp đỡ tạo công ăn, việc làm cho các đối tượng khi tái hòa nhập cộng đồng...

Cùng với đó, thành phố cũng duy trì Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống mại dâm, thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra theo kế hoạch, đột xuất hàng tháng, quý để phát hiện vi phạm và phòng ngừa. Riêng năm 2022, Đội đã tổ chức 4 cuộc, kiểm tra trên 120 lượt cơ sở, để nhắc nhở, tuyên truyền các cơ sở kinh doanh dịch vụ hoạt động theo đúng pháp luật.

Về phía 33 xã, phường trên địa bàn thành phố cũng chủ động công tác tuyên truyền phòng, chống tế nạn xã hội; thành lập các nhóm liên gia hỗ trợ nhau về mọi mặt, trong đó có đảm bảo an ninh, trật tự xã hội ở tổ dân, khu phố. Năm 2022, Hạ Long có 26 phường, xã duy trì danh hiệu xã, phường lành mạnh; không có phường, xã nào thuộc diện trọng điểm về tệ nạn mại dâm.

Bà Phạm Thị Nhàn, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH TP Hạ Long, cho biết: “Để hạn chế tình trạng thất nghiệp dẫn đến TNXH, Hạ Long còn tăng cường hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Năm 2022, Phòng LĐ-TB&XH thành phố đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh, UBND các xã, phường, các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn giải quyết việc làm cho 6.700 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố hiện đạt khoảng 89,2%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 71,9%”.

Thực tế hiện nay, sự thay đổi về loại ma túy sử dụng (ma túy tổng hợp như Ketamine, Metaphetamine, MDMA, dưới các dạng viên nén…), người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng phổ biến, gây khó khăn trong công tác tổ chức cai nghiện. Tỷ lệ đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần gây rối loạn tâm thần dẫn đến “ngáo đá” vi phạm pháp luật còn gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân... Bởi vậy, mặc dù đạt hiệu quả tích cực nhưng công tác phòng, chống TNXH trên địa bàn thành phố thời gian tới vẫn cần tiếp tục được tăng cường, nhất là công tác phòng, chống ma túy.

Nguồn Báo Quảng Ninh

 

 

 

 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 390