Hạ Long quyết tâm về đích sớm nông thôn mới
Hết năm 2020, TP. Hạ Long đã có 9/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đầu năm 2021, thành phố quyết định rút ngắn hành trình đưa các xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới đến tháng 9/2021, thay vì mốc thời gian đến cuối năm 2022 theo kế hoạch ban đầu. Hiện nay, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể; các xã đang dồn lực quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra.
Đồng Sơn là 1 trong 3 xã cuối cùng của thành phố Hạ Long chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Xác định: nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân là mục tiêu cốt lõi của xây dựng nông thôn mới, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy lợi thế địa phương về lâm nghiệp; cải tạo đất trống, vườn tạp để nuôi, trồng những cây, con có giá trị kinh tế cao. Một trong những mô hình kinh tế được xã vận động, hỗ trợ người dân thực hiện là nuôi gà giống Tiên Yên thương phẩm. Mỗi hộ đăng ký thực hiện mô hình được xã và Hội Nông dân thành phố hỗ trợ 50% tiền giống. Xã cũng tổ chức cho các hộ đăng ký thực hiện mô hình đi tham quan, học tập kinh nghiệm thực tế tại Tiên Yên. Tổng đàn gà mà các hộ dân đăng ký nuôi là 100.000 con. Hiện nay, các hộ đã chuẩn bị xong chuồng trại, chờ cuối tháng 4 sẽ nhận bàn giao gà giống.
Anh Lý Sinh Tân ở thôn Phủ Liễn xã Đồng Sơn chia sẻ: Tôi đã nuôi gà thương phẩm được một thời gian, thấy hiệu quả kinh tế khá cao. Vừa qua được xã cho đi học tập kinh nghiệm tại Tiên Yên, lại được hỗ trợ 50% tiền giống, tôi đăng ký nuôi 5.000 con gà giống Tiên Yên. Hy vọng mô hình sẽ phát triển tốt, đem lại thu nhập cao cho gia đình và là mô hình để nhiều bà con trong xã làm theo.
Nuôi gà (Tiên Yên) thương phẩm hy vọng sẽ đem lại giá trị kinh tế cao, cải thiện kinh tế cho người dân xã Đồng Sơn. Trong ảnh: mô hình nuôi gà của anh Lý Sinh Tân, thôn Phủ Liễn, xã Đồng Sơn
Cùng với phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, xã tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa. Là xã miền núi, dân cư thưa và sống không tập trung, việc quy hoạch hạ tầng ở Đồng Sơn gặp khá nhiều khó khăn. Song với sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy – UBND thành phố, xã đã hoàn thành việc lập quy hoạch khu trung tâm xã. Hiện các đơn vị thi công đang tích cực triển khai việc sửa chữa chợ trung tâm, san gạt mặt bằng để xây dựng khu tái định cư tập trung và nhà văn hóa xã.
Nhằm đảm bảo an sinh xã hội, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân cũng được xã quan tâm thực hiện. Từ đầu năm tới nay, xã đã phối hợp với các đơn vị hỗ trợ 2 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn xây dựng lại nhà ở. Còn 3 nhà sẽ tiếp tục khởi công xây mới trong năm nay. Đồng chí Bùi Vĩnh Dương, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Xây dựng nông thông mới xã Đồng Sơn cho biết: Các giải pháp, nhiệm vụ đang được xã tập trung thực hiện là tuyên truyền nâng cao nhận thức và ủng hộ của người dân, vươn lên thoát nghèo; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa; nâng cao thu nhập, đời sống an sinh xã hội của người dân. Song song với đó, thực hiện tổng hợp, đánh giá tiến độ các tiêu chí còn thiếu, những tồn tại, khó khăn gặp phải để có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Xã quyết tâm sẽ hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới vào tháng 7/2021 theo đúng chỉ đạo của thành phố.
Chợ trung tâm xã Đồng Sơn đang được sửa chữa, đáp ứng nhu cầu mua-bán của người dân địa phương
Giống như Đồng Sơn, Đồng Lâm cũng là xã mới thoát khỏi diện 135, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Số tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt chuẩn của xã còn nhiều; chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí đã đạt chuẩn còn thấp, chưa bền vững, nhất là tiêu chí về thu nhập, vệ sinh môi trường, xây dựng thôn mẫu, vườn mẫu. Để hoàn thành các tiêu chí này, xã đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của thành phố hỗ trợ người dân về cây, con giống, xây dựng chuồng trại để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, chỉnh trang khuôn viên và đường làng ngõ xóm.
Đồng chí Nguyễn Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Trưởng BCĐ Xây dựng nông thôn mới xã Đồng Lâm cho biết: Xác định rõ nhiệm vụ, chúng tôi tập trung vào những nhiệm vụ xã sẽ đảm nhận để thực hiện, trong đó tập trung chỉnh trang các khu dân cư, đường ngõ xóm; đặc biệt công tác vệ sinh môi trường. Cái khó nhất hiện nay đối với Đồng Lâm là các công trình hạ tầng trên địa bàn chưa triển khai thực hiện, thứ 2 là thay đổi ý thức của người dân trong vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế. Tuy nhiên với sự vào cuộc của các ban ngành đoàn thể, sự phân công hỗ trợ của thành phố, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị chúng tôi sẽ quyết tâm hoàn thành chương trình nông thôn mới vào tháng 9 năm nay.
Tuyến đường thôn Đèo Đọc, xã Đồng Lâm đang được khẩn trương thi công. Sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện, mà còn thay đổi diện mạo khu dân cư nơi đây
Hết năm 2020, trong 3 xã còn thiếu tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, thì xã Đồng Sơn đã đạt chuẩn 12/20 tiêu chí, 37/53 chỉ tiêu; xã Đồng Lâm đã đạt chuẩn 11/20 tiêu chí, 35/53 chỉ tiêu; xã Hòa Bình chỉ còn thiếu 1 tiêu chí. Qua rà soát, tiêu chí trường học tại xã Hòa Bình hiện đã được thành phố triển khai, dự kiến Trường TH&THCS Hòa Bình sẽ được đưa vào sử dụng trước thềm năm học mới 2021-2022.
Vì vậy, các nội dung hỗ trợ và huy động xã hội hóa của thành phố đều được tập trung ưu tiên cho 2 xã Đồng Lâm, Đồng Sơn. Đặc biệt, các công trình thực hiện bằng vốn xã hội hóa như xây dựng cổng chào thôn; xóa nhà tạm, nhà dột nát; xây dựng hệ thống điện chiếu sáng; trang trí tại các trường học, các tuyến đường trung tâm; xây dựng thôn mẫu, vườn mẫu… cũng nhận được sự ủng hộ, vào cuộc nhiệt tình của các đơn vị.
Hội Nông dân thành phố hỗ trợ cây giống và giúp gia đình bà Nguyễn Thị Xanh, thôn Cài xã Đồng Lâm trồng bưởi da xanh, thực hiện mô hình vườn mẫu
Đồng chí Lê Thế Phương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hạ Long cho biết: Nhằm giúp 2 xã Đồng Lâm, Đồng Sơn sớm về đích nông thôn mới trong năm nay, Hội Nông dân thành phố đã có chủ trương giúp các hộ vay vốn phát triển mô hình nuôi gà Tiên Yên thương phẩm. Đồng thời giúp các hộ xây dựng vườn mẫu, Hội sẽ cùng các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ cây giống cho các hộ đăng ký trồng bưởi da xanh, cây dược liệu, cây chùm ngây...
Sớm hoàn thiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà TP. Hạ Long đặt ra ngay sau khi thực hiện sáp nhập. Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và thực hiện đồng bộ các giải pháp trong xây dựng nông thôn mới, TP. Hạ Long sẽ hoàn thành mục tiêu về đích sớm nông thôn mới trong năm 2021.
Phương Loan – Trần Khánh
Tin tức khác
- Nâng mức hỗ trợ người có công tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh nâng mức tặng quà cho người có công với cách mạng
- Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
- Lần đầu tiên mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng 35,7%
- Theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng.