Hạ Long: Đẩy mạnh công tác phòng chống bạo lực học đường

Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh để học sinh rèn luyện đạo đức, lĩnh hội tri thức, phát triển toàn diện về đức – trí – thể - mỹ luôn là mục tiêu mà ngành giáo dục TP Hạ Long hướng tới. Do vậy, việc trang bị kỹ năng phòng chống tệ nạn xã hội và đặc biệt là công tác phòng chống bạo lực học đường (BLHĐ) được đang được các nhà trường tích cực đẩy mạnh thực hiện.

Nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống BLHĐ, thời gian qua, phòng Giáo dục TP Hạ Long đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, giá trị sống nhằm tạo sự chuyển biến trong thái độ, hành vi chuẩn mực của học sinh, giáo viên, cán bộ trong trường học. Cùng đó, triển khai tích cực các đề án, chỉ thị, công văn của cấp trên về xây dựng trường học an toàn, phối hợp với các ban, ngành, tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn; phòng, chống BLHĐ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Thường xuyên nắm bắt tình trạng BLHĐ thông qua các phương tiện thông tin, mạng xã hội để có những định hướng, chỉ đạo kịp thời.

 

Trong năm học qua, 41 trường cấp THCS của Thành phố đã tổ chức diễn đàn trẻ em về chủ đề phòng chống ma túy, xâm hại tình dục, BLHĐ và an toàn trên môi trường mạng. Thành phố cũng phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chuwccs các buổi nói chuyện chuyên đề về kỹ năng phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em, thông tin về đường dây quốc gia bảo vệ trẻ em, các dịch vụ bảo vệ trẻ em cho học sinh tại 13 trường cấp THCS (Trới, Sơn Dương, Lê Lợi, Việt Hưng, dân tộc nội trú Hoành Bồ, Núi Mằn, Thống Nhất, Vũ Oai, Hòa Bình, Dân Chủ, Bằng Cả, Tân Dân, Quảng La) với trên 3700 học sinh tham gia. Các trường học đều thực hiện tốt và không để xảy ra tình trạng tội phạm, bạo lực học đường.

 

Bà Vân Anh, Phó Phòng Giáo dục Thành phố Hạ Long cho biết: Thực tế cho thấy, vai trò của các nhà trường trong công tác phòng, chống BLHĐ rất quan trọng. Ngoài việc thường xuyên tuyên truyền, giáo dục đạo đức, pháp luật, kỹ năng sống cho HS thông qua các buổi chào chờ, sinh hoạt chi đoàn, các câu lạc bộ cần phải tổ chức nhiều sân chơi bổ ích, lành mạnh, hình thành môi trường để học sinh sáng tạo, giúp các em tránh xa tệ nạn xã hội và phát triển nhân cách toàn diện…Cùng với đó, cần nâng cao và phát huy tốt vai trò của giáo viên chủ nhiệm bởi các thầy cô không chỉ trực tiếp quản lý về sĩ số, học tập mà còn về đạo đức, lối sống của học sinh, định hướng, nhắc nhở, giáo dục học sinh về tinh thần đoàn kết và thay đổi những hành vi lệch lạc, thiếu chuẩn mực… và là cầu nối, người cố vấn, cùng học sinh giải quyết mọi vấn đề trong môi trường học đường.

Có thể khẳng định, trách nhiệm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, phòng, chống BLHĐ không chỉ thuộc về riêng ngành Giáo dục mà cần có sự tham gia của các cấp, ngành và toàn xã hội. Trong đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giữa ngành Giáo dục với Công an, Lao động – TB&XH, Đoàn Thanh niên, Hội LHPN… Mỗi gia đình cũng cần quan tâm, có phương pháp giáo dục đúng đắn nhằm phòng ngừa, can thiệp và cùng với nhà trường, xã hội đẩy lùi BLHĐ.

                                                  halongcity

 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 231