Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp
Tỉnh Quảng Ninh triển khai nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động đo lường, chất lượng; từng bước đưa hoạt động này trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ cho SXKD, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của doanh nghiệp.
Mới đây, Sở KH&CN đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ về quản lý đo lường cho 32 học viên là lãnh đạo, cán bộ phụ trách đo lường của các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng phương tiện đo và hàng đóng gói sẵn. Nội dung tập trung vào hướng dẫn kiểm tra, hiệu chuẩn phương tiện đo dùng trong SXKD tại doanh nghiệp; phân tích thực trạng và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chương trình đảm bảo đo lường; chia sẻ thông tin, kết nối các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm cho doanh nghiệp có nhu cầu.
Ông Nguyễn Văn Tân, Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL, cho biết: Đây là hoạt động được Chi cục tổ chức thường xuyên trong năm. Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có hơn 100 lượt doanh nghiệp được tham gia các khóa tập huấn về đo lường, chất lượng. Thông qua các lớp đào tạo, tập huấn góp phần bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn về đo lường cho các cán bộ tham gia hoạt động đo lường tại doanh nghiệp; khắc phục những bất cập về đo lường trong SXKD cũng như triển khai chương trình đảm bảo đo lường theo hướng dẫn của Bộ KH&CN.
Thực hiện Đề án 966 (ngày 18/8/2018) của Thủ tướng Chính phủ, tháng 2/2020, Sở KH&CN tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 30/KH-UBND tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Kế hoạch đặt mục tiêu phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ kỹ thuật đo lường đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ đo lường cho các doanh nghiệp ở những ngành, lĩnh vực ưu tiên, như: Công nghiệp công nghệ cao; SXKD than, điện, xăng dầu; công nghệ điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; nông nghiệp công nghệ cao…
Cụ thể hóa kế hoạch, tháng 10/2022, tỉnh triển khai các chương trình đảm bảo đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp. Dự kiến trong năm 2023, tỉnh lựa chọn 15 doanh nghiệp để tham gia thí điểm tư vấn, hỗ trợ chương trình đảm bảo đo lường. Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ sẽ tập trung vào bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn về đo lường cho nhân sự của doanh nghiệp; xây dựng các báo cáo phân tích, đánh giá thực trạng đo lường tại doanh nghiệp; những lợi ích và kinh nghiệm thực tế xây dựng chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp; chuyển giao hoạt động áp dụng chương trình đảm bảo đo lường và hướng dẫn doanh nghiệp kiểm tra, giám sát, quản lý.
Đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp không chỉ đảm bảo phương tiện đo, mà còn đảm bảo cả năng lực, hệ thống quản lý, năng lực thực hiện và các năng lực khác. Đây là bước triển khai ban đầu giúp doanh nghiệp tham gia thí điểm đảm bảo được chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, nâng cao vị thế và uy tín của doanh nghiệp trong SXKD.
Nguồn Cổng thông tin điện tử Quảng Ninh
Tin tức khác
- Nâng mức hỗ trợ người có công tỉnh Quảng Ninh
- Quảng Ninh nâng mức tặng quà cho người có công với cách mạng
- Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động năm 2024
- Lần đầu tiên mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng 35,7%
- Theo Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.789.000 đồng.