Đồng bộ giải pháp phát triển dân số bền vững

Thời gian qua, công tác DS-KHHGĐ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của người dân ngày càng có những chuyển biến rõ nét trong thực hiện các pháp lệnh về dân số. Tuy nhiên, trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, ngành dân số Quảng Ninh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong việc chuyển hướng từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển.

Năm 2022, hoạt động truyền thông tiếp tục phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc thay đổi nhận thức, hành vi của người dân. Các hoạt động tuyên truyền từ trực tiếp đến gián tiếp đều được cán bộ dân số thực hiện một cách bài bản, đi vào chiều sâu. Phát huy tác dụng các công nghệ số, nhiều hoạt động truyền thông thông qua mạng xã hội đã được người dân hưởng ứng và tham gia tích cực.

Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông tỉnh thực hiện 24 chương trình “Dân số và hạnh phúc” trên sóng phát thanh, duy trì chuyên mục “Dân số và phát triển” trên báo Quảng Ninh với 48 tin, bài… Phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh, Tỉnh Đoàn, LĐLĐ tỉnh, Hội LHPN tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về công tác DS-KHHGĐ… Các thôn, bản, khu phố đều có cộng tác viên xã hội, trong đó đều thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền liên quan đến công tác dân số.

Với nhiều giải pháp hiệu quả, năm 2022, tỷ số giới tính khi sinh đạt 111,12 bé trai/100 bé gái, đạt kế hoạch đề ra. Quảng Ninh thuộc vùng mức sinh thay thế. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh là 8.307/16.750 người, đạt 49,6%, vượt kế hoạch đề ra, tỷ lệ trẻ em được tầm soát ít nhất 5 loại bệnh tật bẩm sinh là 8.462/15.925 trẻ, đạt 53,1%, vượt kế hoạch đề ra. Số người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ là 195.148 người, đạt 96,1%.

Năm 2023, ngành dân số Quảng Ninh đặt ra mục tiêu chủ động ổn định mức sinh, tiếp tục giảm sinh ở những nơi có mức sinh cao, duy trì ổn định ở những nơi đạt mức sinh thay thế; nâng cao chất lượng dân số nhằm đáp ứng nhân lực chất lượng phục vụ sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh; khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh; quản lý, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…

Cụ thể, ngành dân số tỉnh nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu DS-KHHGĐ như: Toàn tỉnh có trên 19.000 trẻ em được sinh ra, tỷ số giới tính khi sinh đạt 111,02  bé trai/100 bé gái, tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 98,4%, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 45%, tỷ lệ trẻ em sinh ra được sàng lọc sơ sinh đạt 55%..

Để hoàn thành các mục tiêu này, ngành dân số tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng dân số như sàng lọc trước sinh và sơ sinh, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... Bên cạnh đó, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh chú trọng phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp làm tốt công tác dân số; thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện công tác dân số tới lãnh đạo Đảng, chính quyền; tích cực tham mưu ban hành những văn bản chỉ đạo, thực hiện kiểm tra, đánh giá đối với các hoạt động về dân số.

Đối với chương trình KHHGĐ, tiếp tục vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, đảm bảo quyền, trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt; thúc đẩy việc quản lý hậu cần các phương tiện tránh thai.

Về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tăng cường tuyên truyền, vận động từng bước làm thay đổi nhận thức về giới, bình đẳng giới; kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Đối với chương trình chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng thông qua đội ngũ cán bộ, cộng tác viên; hoạt động thăm và tư vấn tại hộ gia đình, tuyên truyền nhóm nhỏ, lồng ghép tư vấn trực tiếp cho các cặp vợ chồng chuẩn bị sinh con...

Nguồn Báo Quảng Ninh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 1709