Đón Tết Độc lập trong niềm tin mới

Những ngày này, cờ Tổ quốc tung bay trên khắp các đường phố trong tỉnh; hoa tươi, pano, biểu ngữ trang hoàng rực rỡ chào mừng kỉ niệm 78 năm ngày Quốc khánh 2/9. Trong tiết trời dịu dàng của mùa thu, tâm thế mừng đón Tết Độc lập năm nay của người dân Vùng mỏ càng thêm rộn ràng, khi cuộc sống dần sôi động trở lại sau “cơn bão” đại dịch Covid-19, nền kinh tế phục hồi đà tăng trưởng mạnh mẽ, an sinh xã hội tiếp tục được chăm lo.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố với toàn thế giới về sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã giành thắng lợi trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc; khẳng định vị thế của một quốc gia độc lập, tự chủ trên trường Quốc tế. Rằng “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Ngày Quốc khánh 2/9 hằng năm cũng vì thế mà đã trở thành ngày hội của dân tộc Việt Nam, được người dân gọi bằng cái tên: Tết Độc lập.

Tuyến đường bao biển Trần Quốc Nghiễn - tuyến đường dài gần 5km men theo bờ Vịnh Hạ Long, kết nối các điểm tham quan, nổi bật của thành phố như: Bảo tàng, Cung quy hoạch, Hội chợ và triển lãm, công viên Lán Bè, cụm di tích núi Bài Thơ... Những ngày này, sắc nắng vàng dịu ngọt của mùa thu, khung cảnh tuyệt đẹp trên tuyến đường còn được tô điểm thêm bằng sắc đỏ cờ Tổ quốc, pano, biểu ngữ chào mừng kỉ niệm 78 năm ngày Quốc khánh 2/9.


 

Cũng như nhiều người dân TP Hạ Long, chị Phạm Thị Thảo (khu phố 6, phường Bạch Đằng) luôn dành thời gian mỗi sáng sớm hoặc cuối giờ chiều để đi bộ thể dục dọc trên tuyến đường bao biển. Chị Thảo chia sẻ: “Với tôi, dịp Quốc khánh năm nào cũng có một cảm xúc hân hoan, phấn chấn đầy khác biệt so với các dịp lễ khác trong năm. Đó là niềm hạnh phúc, sự hãnh diện khi được là công dân của một đất nước tự do, dân chủ. Đó còn là niềm tự hào khi Hạ Long thân yêu, tỉnh Quảng Ninh đang ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh. Đó là nhờ công lao của thế hệ cha ông đã quật cường vượt lên bao gian khó, sẵn sàng hy sinh mà có được. Trách nhiệm của thế hệ trẻ là sống, học tập, lao động để xứng đáng với công lao ấy”.

Xứng danh là thành phố thủ phủ của tỉnh, những năm qua, Hạ Long đã ghi dấu ấn trên nhiều lĩnh vực, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống nhân dân gắn liền với văn minh đô thị, văn minh nông thôn, gắn liền với đời sống văn hóa cơ sở, với hình ảnh của đô thị trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn. Với nguồn lực rất lớn được tạo ra từ khi mở rộng địa giới hành chính, TP Hạ Long đã thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo ra các sản phẩm du lịch dịch vụ chất lượng cao, bền vững. Nửa đầu năm 2023, dưới sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Thành ủy, UBND thành phố, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt 11,6%, cao hơn bình quân toàn tỉnh. Ý thức chủ động của người dân về đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, bảm đảm an sinh xã hội... cũng được nâng cao đáng kể nhờ các Chỉ thị, Nghị quyết được triển khai đi nhanh vào cuộc sống... Đúng dịp Quốc khánh năm nay, tỉnh Quảng Ninh đã long trọng tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số766/QĐ-TTg, ngày 27/6/2023) công nhận TP Hạ Long hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.


 

Rời khu vực trung tâm, ngược về các địa phương miền Đông của tỉnh trong những ngày cận kề Quốc khánh 2/9 năm nay, cũng rất dễ dàng bắt gặp khung cảnh người người, nhà nhà nô nức trang hoàng nhà cửa bằng những lá cờ Tổ quốc tươi thắm. Giữa khung cảnh làng quê trù phú, những chiếc loa truyền thanh cơ sở chốc chốc lại vang lên một ca khúc ca ngợi quê hương, kể chuyện tình yêu đôi lứa. Trong những ngày nghỉ lễ, các hoạt động văn hóa văn nghệ sẽ được tổ chức, vừa làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người dân, vừa lồng ghép ý nghĩa giáo dục tình yêu lịch sử, truyền thống cho thế hệ trẻ. 78 năm đã trôi qua từ Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, các thôn bản vùng khó khăn nhất của tỉnh đã có nhiều đổi thay và phát triển. Những chương trình mục tiêu quốc gia, những chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh... được tổ chức thực hiện có hiệu quả, đã tạo thành động lực lớn để quê hương Quảng Ninh ngày càng đổi mới.

Nhân dịp Quốc khánh năm nay, Huyện ủy Bình Liêu đã tổ chức Lễ trao huy hiệu Đảng cho 23 đảng viên; bao gồm: 1 huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, 2 huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, 20 huy hiệu từ 30 đến 55 tuổi Đảng. Cũng tại đây, có 60 quần chúng ưu tú đã được trao quyết định kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Tự hào với lịch sử 60 năm xây dựng và phát triển của tỉnh Quảng Ninh, cũng như lịch sử 75 năm của Đảng bộ huyện, các đảng viên cùng nêu cao quyết tâm không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để cống hiến cho quê hương, đất nước.


 

Cảm xúc dâng trào khi được vinh dự tham gia sự kiện đầy ý nghĩa này, Đảng viên Vi Quốc Lân (65 năm tuổi Đảng) bồi hồi chia sẻ: “Chúng tôi đã trải qua thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất, kiên cường đối mặt với thử thách, hiểm nguy, đó là nhờ có được niềm tin kiên định đi theo Đảng. Ngày nay, còn được tận mắt chứng kiến đất nước, quê hương hòa bình, độc lập, giàu mạnh, với tôi đó là niềm hạnh phúc vô bờ. Vì vậy, dẫu tuổi đời đã cao, song các đảng viên lão thành chúng tôi vẫn luôn tâm niệm phải sống sao cho đúng với khí chất của người đảng viên, là tấm gương để thế hệ đảng viên trẻ và con cháu noi theo...”.

Năm nay, người dân huyện Bình Liêu có thêm niềm vui khi chương trình xây dựng NTM, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục đạt được những thành quả ấn tượng. Từ xuất phát điểm là huyện nghèo nhất tỉnh, đến nay, Bình Liêu đã khẳng định thương hiệu về một vùng đất giàu bản sắc, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, sản xuất nông nghiệp phát triển, kinh tế cửa khẩu sôi động, dẫn đầu về phát triển du lịch trải nghiệm văn hoá... Kinh tế phát triển đã đưa thu nhập bình quân đầu người của huyện Bình Liêu hiện đã đạt mức 62,5 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo của huyện chỉ còn 0,14%; toàn huyện không có nhà tạm, nhà dột nát...


 

Ngày Quốc khánh năm nay, cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió thu và nắng vàng trải khắp phố phường, thôn bản của Quảng Ninh. Toàn tỉnh cũng đang trong những ngày đẩy mạnh thi đua sôi nổi chào mừng sự kiện đặc biệt: Kỉ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh 30/10 (1963-2023). Nhiều phong trào thi đua, phần việc thiết thực đã và đang được Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Quảng Ninh thực hiện, tạo nên đợt sinh hoạt chính trị sôi nổi, rộng khắp. Qua đó càng nhân lên tinh thần tự hào trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể quân - nhân dân toàn tỉnh, khơi dậy khát vọng xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Đó cũng là cách để thế hệ trẻ được nhận thức sâu sắc hơn về thành tựu 60 năm xây dựng, phát triển của quê hương mình.


 

Khung cảnh yên bình, phồn thịnh càng nhắc nhớ người dân Vùng mỏ về buổi sáng ngày 2/9 của 78 năm về trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong muôn vàn tiếng reo vui của quốc dân đồng bào. Truyền thống lịch sử hào hùng sống mãi chính là động lực để cấp ủy, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh quyết tâm, đồng lòng, chung sức xây dựng quê hương.

Nguồn cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh

 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 248